Bài phát biểu tham luận tại Tọa đàm các Hội Bảo vệ người tiêu dùng các nước ASEAN (ACAN2021)

Ngày 06/05/2021 vừa qua, Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến tham vấn các đại diện các Hội Bảo vệ NTD 10 nước thành viên ASEAN về Chương trình hành động của Ban Thư ký về Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN giai đoạn 2021-2026. Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư lý TW Hội Bảo vệ NTD Việt Nam đã tham gia cuộc Tọa đàm.

Sau đây Website TW Hội xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bản dịch ra tiếng Việt toàn văn bài tham luận đã trình bày bằng tiếng Anh của Ô.Vũ Văn Trung với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam”.

Bài tham luận tại Tọa đàm trực tuyến

tham vấn các Hội Bảo vệ NTD các nước ASEAN

ACAN2021,06/05/2021     

                                                          _____

      Kính thưa Ông Chủ tọa,

      Thưa Quý Ông, Quý Bà,

      Trước tiên, thay mặt Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tôi xin bày tỏ niềm hân hạnh được tham dự cuộc Tọa đàm trực tuyến hôm nay dành cho các Hội Bảo vệ người tiêu dùng các nước ASEAN (ACAN2021).

      Sau đây cho phép tôi được trình bày bài tham luận với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam”.

      Thưa các Quý Vị,

      Cũng giống như ở nhiều quốc gia thành viên ASEAN khác, ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trước hết là internet, đã ghi nhận sự bùng nổ của TMĐT. Hiện nay TMĐT đã trở thành một ngành thương mại quan trọng hàng đầu, không thể thiếu trong đời sống xã hội, phù hợp với chủ trương và xu hướng phát triển nền kinh tế số của Việt Nam. Theo thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số Bộ Công Thương, liên tục trong 5 năm qua (2016-2020), TMĐT tăng trưởng bình quân ở mức 25%/năm, tỷ trọng của TMĐT trong tổng mức bán lẻ đã tăng gấp đôi, kim ngạch đạt trên 11,8 tỷ USD năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 chữ số năm 2020. Hoạt động TMĐT nói riêng và các giao dịch điện tử nói chung đã và đang mang lại lợi ích rất đáng kể cho NTD, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng NTD có thói quen mua hàng trên mạng đã tăng lên rất mạnh.  NTD qua TMĐT có thể tiếp cận hàng hóa, dịch vụ trên toàn cầu một cách rất nhanh chóng, với nhiều sự lựa chọn và hưởng giá ưu đãi hơn nhờ giảm thiểu chi phí khâu trung gian. Với dân số gần 100 triệu người, chắc chắn TMĐT ở Việt Nam trong thời gian tới còn tiếp tục tăng và tăng mạnh.

      Về khuôn khổ pháp lý, Nhà nước Việt Nam vừa luôn quan tâm sâu sắc tới bảo vệ NTD trong TMĐT, vừa tạo khung pháp lý cho hoạt động TMĐT phát triển lành mạnh, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của NTD, nên đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý TMĐT như: Luật Giao dịch điện tử (2005) và một loạt các Nghị định Chính phủ số 57/2006, số 27/2007, số 35/2007, số 101/2012, số 52/2013, số 72/2013, số 158/2013, số 167/2013, số 181/2013, số 124/2015và nhiều Thông tư của các Bộ hữu quan.

      Gần đây nhất là Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ban hành ngày 26/8/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Nghị định đã đề cập tới nhiều nội dung mới liên quan đến TMĐT, trong đó mức xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng cấm trên TMĐT đã được nâng cao hơn trước nhiều lần, đạt tới 50 triệu VNĐ (tương đương 2.174 USD)/một hành vi vi phạm.

      Thưa các Quý Vị,

      Tuy vậy, khi tham gia các giao dịch điện tử, NTD vẫn chưa yên tâm, với lo lắng bởi những hành vi thương mại thiếu minh bạch, các phương thức thanh toán không đảm bảo, mất hoặc bị tiết lộ thông tin cá nhân và nhiều mối quan ngại khác, khiến quyền lợi của họ bị xâm phạm.

      Một loạt vụ doanh nghiệp lợi dụng TMĐT để huy động lượng tiền mặt lớn từ mạng lưới người tham gia với phương thức hoạt động có nhiều điểm không minh bạch như kiểu kinh doanh của Công ty CP Đào tạo trực tuyến MB24; các vụ 3 Website kinh doanh TMĐT bị lực lượng Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý phạt tiền do không đăng ký hoạt động TMĐT với Cơ quan quản lý và kinh doanh hàng nhập lậu là Shopnhatchaly.com, Ruouthuonghieu.com và Ruoungoai.net; các vụ 2 Website bán hàng giả Menshop79.com và Menshopfashion.com bị lực lượng QLTT TP.Hồ Chí Minh kiểm tra, tịch thu gần 2.000 sản phẩm nhái các nhãn hiệu nổi tiếng Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry,…Gần đây, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện Tài khoản zalo “Chuyên Sữa Nhập Khẩu” do bà Nguyễn Thị Nghiêm, địa chỉ tại xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, thường xuyên đăng tải rao bán một số loại sữa đóng chai do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 60 chai sữa loại 500ml có nhãn gốc bằng tiếng Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ chứng nhận nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng nhập lậu. Ngày 28/4/2021 lực lượng QLTT TP.Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với Website https://chuyenphatnhanhsbay.com có địa chỉ bán hàng tại số 41, ngõ 37 đường Trần Quốc Hoàn, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội bán khẩu trang y tế nhái nhãn mác Gucci và Puma.  Ngoài ra, rất nhiều mạng bán hàng đa cấp nhập nhằng bị phát hiện trong thời gian qua, là những minh chứng cho sự xâm phạm QLNTD.

      Ngay thời điểm này, cũng không khó để tìm thấy trên mạng vẫn nhiều quảng cáo trái luật, thậm chí quảng cáo bán hàng cấm, rồi mua bán gian dối, lừa đảo NTD.

      Cho đến năm 2020 đã có hàng chục Website TMĐT bị yêu cầu gỡ bỏ các sản phẩm bị vi phạm với số lượng trên 36.000 sản phẩm và gần 3.200 tài khoản/gian hàng trên các sàn TMĐT bị khóa.

      Thưa các Quý Vị,

      Để tiếp tục lành mạnh hóa hơn nữa hoạt động TMĐT tại Việt Nam, bảo vệ NTD trong TMĐT, theo tôi, nên đẩy mạnh các việc như sau.

      Một là-Về hoàn thiện khung pháp lý

      Trong bối cảnh kinh doanh trên môi trường mạng (các Website TMĐT, các mạng xã hội như Facebook, Zalo,…) nhiều hành vi xâm phạm QLNTD mới xuất hiện, nhưng chưa được bổ sung vào danh mục các hành vi bị cấm trong Luật Bảo vệ QLNTD; một số quy định trong Luật Bảo vệ QLNTD còn chưa rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp. Cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ QLNTD.

      Hai là-Quy định rõ trách nhiệm của các Sàn TMĐT

      Cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc kiểm soát hàng hóa được chào bán trên Sàn và mức xử phạt vi phạm phải nghiêm khắc hơn, đủ để ngăn ngừa hành vi vi phạm.

      Thực tế cũng có những kẽ hở trong quản lý như việc quy định quy trình đăng ký hoạt động kinh doanh trên Sàn TMĐT hiện quá dễ dàng, do đó khi một doanh nghiệp bị phát hiện nhiều hành vi vi phạm phải gỡ bỏ sản phẩm, thì doanh nghiệp này có thể đăng ký sử dụng thông tin khác để đăng ký tài khoản mới. Cần quy định lại cho chặt chẽ hơn.

      Ba là-Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra của các Cơ quan chức năng

      Sàn TMĐT hoạt động xuyên biên giới, rất nhiều hàng hóa được cung ứng từ nước ngoài, do đó cần có sự phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn của các Cơ quan chức năng.

      Các Cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường mạnh mẽ, siết thật chặt việc giám sát, quản lý hoạt động của các Sàn TMĐT và các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên Sàn, cũng như các hình thức mạng khác Website, Facebook, Zalo,…, tiến tới hạn chế tối đa những hành vi vi phạm của người bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

      Bốn là-Những điều doanh nghiệp cần lưu ý   

      Đối với các doanh nghiệp nghiêm túc tham gia kinh doanh trên TMĐT, ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật, cần phải xây dựng lòng tin của NTD, đặc biệt trong các việc rất cụ thể như: giao hàng đúng chất lượng quảng cáo, đúng thời gian; bảo mật thông tin cá nhân, tôn trọng sự riêng tư của NTD; cũng như trả lời và giải quyết tốt khiếu nại của NTD. Doanh nghiệp phải hiểu rằng, bảo vệ quyền lợi NTD trong TMĐT chính là cách tốt nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.

      Năm là-Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức tiêu dùng

      Hiện nay NTD còn nhận thức rất mờ nhạt về Luật Bảo vệ QLNTD và các Nghị định, Thông tư về bảo vệ QLNTD, về TMĐT và các văn bản pháp luật khác có liên quan (qua khảo sát, chỉ 15% người được hỏi cho biết đã đọc Luật Bảo vệ QLNTD), cũng như thiếu kiến thức tiêu dùng, đặc biệt là kỹ năng mua hàng trên TMĐT. Rất nhiều NTD không biết 8 quyền chính đáng của mình được pháp luật công nhận, có liên quan hết sức chặt chẽ, thiết thực tới quyền của NTD trong TMĐT. Nhiều NTD bị xâm phạm quyền lợi, nhưng không biết phản ánh với Cơ quan, Tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại, tố cáo.

      Mặt khác, có không ít NTD lại có tâm lý e ngại, khi mua phải hàng khi quảng cáo là hàng thật, nhưng khi nhận hàng lại là hàng giả hoặc hàng kém chất lượng, đã không lên tiếng tố cáo, cảnh báo cho những NTD khác cùng biết, để tránh, thậm chí tẩy chay bằng  nhiều hình thức, kể cả sử dụng mạng xã hội. NTD cũng không phản ánh đến Cơ quan chức năng hay các Hội Bảo vệ NTD ở Trung ương và ở địa phương, để được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

      Như vậy, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức, kỹ năng  tiêu dùng có vai trò hết sức quan trọng, cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian trước mắt và cũng như trong lâu dài.   

      Thưa các Quý Vị,

      Để kết thúc bài tham luận, tôi xin đọc 9 khẩu hiệu rất nổi tiếng và quen thuôc tại Việt Nam, mà tôi nghĩ, rất thiết thực cho tuyên truyền về Bảo vệ NTD trong TMĐT như sau:

      1.Hãy là NTD Thông thái trong TMĐT! 2.Bảo vệ thông tin của NTD là trách nhiệm của doanh nghiệp! 3.Lộ thông tin cá nhân có thể gây thiệt hại cho NTD về sức khỏe, tài sản, tính mạng! 4.Bảo vệ QLNTD là trách nhiệm của toàn xã hội! 5.Kinh doanh lành mạnh, Tiêu dùng bền vững! 6.NTD có quyền biết thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ mua sắm trực tuyến! 7.NTD có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường! 8.Không dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường! 9.Hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng!

Xin kính chúc cuộc Tọa đàm của chúng ta thành công!

Xin kính chúc các Quý Vị Sức khỏe và Hạnh phúc!

Xin trân trọng cảm ơn!

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *