Bỏ thuốc lá: Lợi ích nhiều bề

Hút thuốc lá đã và đang trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội. Theo thống kê, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, với trung bình 2 nam giới 15 tuổi trở lên, có một người hút thuốc. Với hơn 7.000 hóa chất có trong thuốc lá, trong đó có hơn 70 chất là tác nhân gây ung thư, hút thuốc lá đã trở thành nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh nguy hiểm cho cả người hút và không hút thuốc lá nhưng phải thường xuyên hít phải khói thuốc mà người ta gọi là hút thuốc lá thụ động, như ung thư phổi, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,v.v … Chính vì vậy, đối với những người đang hút thuốc, việc bỏ thuốc luôn là một vấn đề cấp bách và lâu dài. Khi bỏ thuốc sẽ mang lại cho người bỏ thuốc những lợi ích như sau.

Đối với người chưa bị bệnh do hút thuốc lá

Sau khi bỏ thuốc khoảng 20 phút, huyết áp giảm về mức bình thường, nhiệt độ tay và chân về bình thường. Sau 8 giờ, lượng oxy máu về bình thường, lượng carbon monocide giảm về bình thường. Sau 24 giờ, nguy cơ nhồi máu cơ tim đã giảm. Sau 72 giờ, khả năng hoạt động của phổi tăng, cảm giác dễ thở hơn vì các ống phế quản bắt đầu thư giãn. Sau 2 tuần đến 3 tháng, lưu thông mạch máu trong cơ thể tăng, chức năng hoạt động của phổi tăng đến 30%. Sau từ 1 đến 9 tháng, ho tiết dịch nhầy, mệt, khó thở giảm, lông mao phổi hoạt động bình thường, tăng khả năng tiết dịch nhầy, làm sạch phổi và giảm viêm nhiễm. Sau 1 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm đi 50%. Sau 5 năm, nguy cơ tai biến mạch máu não giảm 100%. Sau 10 năm nguy cơ ung thư phổi giảm 50%.  Sau 15 năm, nguy cơ mắc bệnh mạch vành giảm 100%.

Đối với người đã bị bệnh do hút thuốc lá

Bệnh nhân tim mạch: giảm đáng kể nguy cơ tái nhồi máu cơ tim và nguy cơ tai biến mạch máu não, tăng tỉ lệ thành công của phẫu thuật mạch vành, giảm mức độ tăng huyết áp.

Đối với bệnh nhân hô hấp: giảm tốc độ suy giảm chức năng phổi, giảm triệu chứng ho ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giảm tiến độ tiến triển của bệnh ung thư phổi. Đối với bệnh nhân ung thư: tốc độ phát triển của tế bào ung thư chậm hơn người tiếp tục hút thuốc lá.

Có người chưa muốn hoặc đã từng bỏ thuốc lá thất bại, một phần là do hút thuốc lá mang lại những hiệu ứng tâm thần kinh cho người hút như: sảng khoái, hưng phấn, tăng khả năng tập trung chú ý. Tuy nhiên, những hiệu ứng này chỉ mang tính chất tạm thời trong khoảng 2 giờ, nhưng lại làm cho não bộ người hút thuốc dần trở nên lệ thuộc vào thuốc lá và sẽ hoạt động kém hiệu quả nếu như thiếu thuốc lá. Thực tế cho thấy, người không hút thuốc lá phần đông vẫn có thể tập trung chú ý và vẫn sảng khoái, hưng phấn trong công việc và trong cuộc sống. Người ta cũng có nhiều cách khác mang lại sảng khoái, hưng phấn nhưng không có hại cho sức khỏe như: chơi thể thao, nghe nhạc, giao lưu với người thân và bạn bè, hàng xóm lang giềng.

Có người cho rằng, việc hút thuốc lá sẽ làm cho thân thiện hơn trong giao tiếp, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Rõ ràng, người không hút thuốc lá phần đông vẫn giao tiếp rất tốt, như vậy không hẳn chỉ có hút thuốc lá mới tạo thuận lợi trong giao tiếp.

Lại có những ý kiến khác bảo rằng, khi bỏ thuốc sợ bị lên cân. Việc lên cân do bỏ thuốc lá không phải là điều gì quá khủng khiếp. Đa số trường hợp, có thể tránh được tăng cân do bỏ thuốc lá. Tăng cân do bỏ thuốc lá thường do hai cơ chế. Trong những tuần lễ đầu tiên, thiếu nicotine sẽ làm thay đổi chuyển hóa trong cơ thể và làm tăng cân; kế tiếp là sự thay đổi hành vi ăn uống: người bỏ thuốc lá có nhu cầu phải có gì đó trong miệng, có nhu cầu ăn vặt, ăn ngọt, …Vì vậy, hãy uống nhiều nước (khoảng 2 lít mỗi ngày); tránh ăn vặt ngoài 3 bữa ăn chính; tập thể dục bằng cách đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày; hạn chế ăn nhiều chất béo, chất ngọt, nên ăn nhiều trái cây và rau cải.

Vì những lợi ích, trước hết là cho chính bản thân người hút thuốc, chúng tôi kêu gọi tất cả những người hút thuốc lá hãy thấy rõ lợi ích nhiều bề của việc bỏ thuốc lá và đừng sợ những hiệu ứng do bỏ hút thuốc lá mang lại, mà cần có kế hoạch bỏ hút thuốc lá càng sớm càng tốt!

Hãy nhớ rằng: “Bỏ thuốc không bao giờ muộn, hãy suy ngẫm để bỏ thuốc ngay bây giờ và mãi mãi!”./.

BS.Văn Hiển Tài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *