Châu Âu với nỗi lo lạm phát

Nền kinh tế châu Âu đã phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II năm nay, tuy nhiên các số liệu thống kê trong tháng 8 vừa qua cho thấy, nỗi lo lạm phát đang đe dọa gây ra nhiều hệ lụy với ‘lục địa già’.

Ảnh minh họa đồng euro. (Nguồn: Reuters)

Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố cho thấy, chỉ số lạm phát của tháng 8 trong toàn Khu vực đồng euro đã tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, theo sau mức 2,2% vào tháng 7/2021 – mức cao nhất từ 10 năm trở lại đây. Chỉ số lạm phát đã tăng mạnh ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của khu vực. Ở Bỉ tỷ lệ này là 4,7%, Tây Ban Nha 3,3%, Italia 2,6% và Pháp 2,4%.

Lý giải về tình trạng lạm phát, nhiều nhà kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính là do giá dầu, khí đốt, thực phẩm và giá các loại hàng hóa của các ngành công nghiệp dịch vụ khác tăng cao. Cũng như ở Mỹ và nhiều nước khác, châu Âu đang chứng kiến tình trạng giá sản xuất tăng; nguyên liệu thô hiếm và đắt đỏ; chi phí vận chuyển, nhất là vận chuyển các container cao, phần lớn do tác động từ đại dịch Covid-19. Việc giá cả tăng cao ngoài dự kiến đã gây ra những hệ lụy đáng kể đối với người dân và chính phủ các nước châu Âu. Với mức lãi suất thấp hiện nay, lạm phát đã “thổi bay” số lợi nhuận ít ỏi của những người dân có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Giá cả đắt đỏ, trong khi thu nhập “dậm chân tại chỗ”, thậm chí sụt giảm vì dịch bệnh đang khiến đời sống phần lớn người dân châu Âu khó khăn hơn.

Đối với các nhà hoạch định chính sách, lạm phát tăng mạnh đang đặt họ vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong chính sách tài chính. Khi công bố chiến lược mới hồi tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ấn định mục tiêu lạm phát 2%, nhưng thực tế hiện nay cho thấy chỉ số lạm phát đã xuyên thủng mức trần nêu trên. Giới phân tích cho rằng, ECB sẽ khó vượt qua vấn đề này tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới, bởi họ vẫn cần thêm thời gian đánh giá chính xác hơn xu hướng lạm phát để không đưa ra những chính sách tiền tệ gây bất lợi cho nền kinh tế. Nếu những yêu cầu về tiền lương được đáp ứng để bù mức tăng của giá tiêu dùng, thì nguy cơ đáng sợ về một vòng xoáy lạm phát là khó tránh.

Một vấn đề lớn đang đặt ra với châu Âu cũng như Mỹ và nhiều quốc gia khác hiện nay là khó có thể dự đoán được thời gian bùng nổ lạm phát này kéo dài bao lâu. Một khi đại dịch Covid-19 không được kiểm soát và ngăn chặn, chuỗi cung ứng và các cân đối kinh tế bị phá vỡ, không chỉ châu Âu mà kinh tế toàn thế giới rất có thể sẽ rơi vào vòng xoáy lạm phát và khủng hoảng nghiêm trọng.

Theo Vietq

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *