Cơ quan Hải quan không thực hiện thủ tục hải quan đối với các tờ khai nhập khẩu trị giá thấp khai báo thông tin người nhận không đầy đủ, rõ ràng. Đó là chỉ đạo của Tổng cục Hải quan đối với các cục hải quan, tỉnh thành phố trong việc quản lý đối với hàng hóa trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Phát hiện thủ đoạn chia nhỏ lô hàng nhằm trốn thuế
Theo Tổng cục Hải quan, qua theo dõi, quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, cơ quan Hải quan phát hiện có hiện tượng chủ hàng hóa lợi dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh nhằm trốn thuế.
Trước đó, Cục Hải quan Hà Nội cũng đánh giá trong những năm gần đây, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2021, với sự phát triển của hàng hóa qua đường hàng không và sự phát triển của thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch bằng phương thức điện tử sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh (CPN) tăng đột biến, trong đó chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp. 6 tháng đầu năm 2021 có khoảng 35 triệu tờ khai, gấp khoảng 6 lần 6 tháng đầu năm 2020 và khoảng 15 lần 6 tháng đầu năm 2019.
Theo Cục Hải quan Hà Nội, xu thế toàn cầu hóa, phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới, sự phát triển của hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng hóa nhập khẩu giao dịch bằng phương thức điện tử sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh tăng đột biến.

Từ những vấn đề vướng mắc trong quá trình kiểm tra, giám sát đối với hàng chuyển phát nhanh, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng có thể tiềm ẩn những rủi ro đối với hàng chuyển phát nhanh trị giá thấp. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh có thể lợi dụng chính sách có liên quan để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế, không thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Hàng hóa nhập khẩu nhỏ lẻ, số lượng rất lớn, đối tượng nhập khẩu chủ yếu là cá nhân, tổ chức không có mã số thuế, thông tin khai báo ít… Đó là các khó khăn trong việc xác định rủi ro để quản lý, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra sau thông quan và vấn đề xử lý sau kiểm tra.
Để ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan quản lý các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh tăng cường các biện pháp quản lý.
Việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ.
Trường hợp, một lô hàng thuộc một vận đơn tổng (master bill) hoặc chứng từ tương đương mà có nhiều gói, kiện hàng hóa theo từng vận đơn con (house bill) hoặc tương đương của cùng một chủ hàng (cùng tên/số chứng minh thư hoặc số của giấy tờ có giá trị tương đương) mà tổng trị giá hàng hóa các gói hàng của cùng một chủ hàng đó có trị giả hải quan vượt quá 1.000.000 đồng thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ lô hàng, không được áp dụng quy định miễn thuế quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.
Ngăn chặn trục lợi chính sách
Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh nhằm ngăn chặn hiện tượng, khả năng lợi dụng quy định để gian lận thương mại.
Cụ thể, cơ quan Hải quan không thực hiện thủ tục hải quan đối với các tờ khai nhập khẩu trị giá thấp khai báo thông tin người nhận không đầy đủ, rõ ràng (thiếu địa chỉ người nhận hoặc địa chỉ người nhận không đầy đủ, địa chỉ người nhận không có thực; thiếu số chứng minh thư nhân dân hoặc số của giấy tờ khác có giá trị tương đương).
Các đơn vị hải quan phân công cán bộ công chức thường xuyên rà soát tờ khai hàng hóa trị giá thấp để phát hiện nhóm đối tượng thường xuyên nhận hàng có cùng địa chỉ, có cùng số điện thoại, có cùng chứng minh thư (hoặc số của giấy tờ có giá trị tương đương) hoặc địa chỉ người nhận không rõ ràng và chuyển thông tin đến các đơn vị liên quan như: Cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế và Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) địa phương; các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Hải quan và cục hải quan tỉnh, thành phố.
Tổng cục Hải quan yêu cầu trong quá trình rà soát đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân xác định là thường xuyên nhập khẩu hàng hóa qua dịch vụ chuyển phát nhanh, nếu xác định hàng hóa là quà biếu, tặng hoặc hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử hoặc hàng hóa mua bán thông thường thì đề nghị người khai hải quan cung cấp các chứng từ có liên quan: đơn hàng đối với các giao dịch qua thương mại điện tử; chứng từ thể hiện việc cho biếu, tặng đối với hàng quà biếu, tặng; hóa đơn thương mại đối với việc mua bán hàng hóa thông thường.
Trường hợp người khai hải quan không cung cấp được các chứng từ chứng minh hoạt động mua bán, giao dịch thì không thực hiện thủ tục hải quan.
Đồng thời, các đơn vị tăng cường kiểm tra việc xác định trị giá hải quan đối với các trường hợp có dấu hiệu chia tách hàng hóa thành nhiều gói kiện nhỏ để phù hợp với trị giá được miễn thuế theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra chính sách quản lý hàng hóa theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương và các văn bản hướng dẫn liên quan để đảm bảo việc chia hàng hóa nhập khẩu vào nhóm 2 phải đúng quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư 56/2019/TT-BTC…
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các doanh nghiệp chuyển phát nhanhphối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát trọng điểm đối với hiện tượng chia nhỏ lô hàng nhằm trốn thuế, miễn chính sách, gian lận thương mại, vận chuyển hàng trái phép.
Theo BCĐ 389
Tin liên quan