Giới thiệu chung

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hội được thành lập theo Quyết định số 2453/QĐ-BNV ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ Nội vụ; trên cơ sở tách ra và kế thừa hơn 30 năm hoạt động bảo vệ người tiêu dùng từ Hội Khoa học và kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa, chất lượng và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; để đảm bảo tính pháp lý và thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Đại hội thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức vào ngày 29 tháng 11 năm 2018, tại Hà Nội.

Hội có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; hoạt động trên phạm vi cả nước; theo nguyên tắc tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận. Hội hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và về hội. Hội là thành viên và Chủ tịch Hội là Ủy viên Hội đồng Trung ương và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Quyền hạn, nhiệm vụ của Hội theo Điều lệ Hội được phê duyệt tại Quyết định số 227/QĐ-BNV ngày 21 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ:

Điều 6. Quyền hạn của Hội

  1. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội.
  2. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội.
  3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội theo quy định của pháp luật.
  4. Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước; tổ chức hoạt động dịch vụ về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội, theo quy định của pháp luật.
  5. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hội và lĩnh vực Hội hoạt động.
  6. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội.
  7. Tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội, Điều 31 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn thi hành và quy định của pháp luật có liên quan.
  8. Thành lập pháp nhân thuộc Hội theo quy định của pháp luật.
  9. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
  10. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao (nếu có).
  11. Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực Hội hoạt động, cơ quan quyết định cho phép thành lập Hội về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế. Được gia nhập các tổ chức trong nước theo quy định pháp luật và Điều lệ tổ chức đó.
  12. Được in, phát hành các ấn phẩm nhằm phục vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng thuộc lĩnh vực Hội hoạt động theo quy định của pháp luật.
  13. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, phù hợp tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động của Hội.

Điều 7. Nhiệm vụ của Hội

  1. Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội. Tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Không được lợi dụng hoạt động của Hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
  2. Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội và quyền lợi của người tiêu dùng trong cả nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hội nhằm tham gia phát triển lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
  3. Tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, huấn luyện kiến thức, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực Hội hoạt động cho hội viên, người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu; hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế, quy định, quy tắc của Hội.
  4. Đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
  5. Hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn, tư vấn và giúp đỡ người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
  6. Xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy tắc hoạt động của Hội.
  7. Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hội theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội.
  8. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình hoạt động của Hội tới cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
  9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật./.