Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cuối năm là lúc tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng, xuất hiện nhiều chiêu trò tinh vi.
Cuối năm “đến hẹn lại lên” hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên thị trường các tỉnh, thành trên cả nước lại tăng cao và có nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi dưới nhiều hình thức gây không ít khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn.
Gian lận thương mại dưới nhiều hình thức
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Số liệu thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, tính đến hết tháng 9/2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290 vụ việc vi phạm (giảm gần 300% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách nhà nước 7.519 tỷ đồng. Số vụ khởi tố là 1.615, với 2.148 đối tượng tăng hơn 90% so với cùng kỳ.
Theo ghi nhận của Tổng Cục Quản lý thị trường, trước đây hàng giả, hàng nhái có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nhập lậu về Việt Nam qua các cửa khẩu cũng như đường tiểu ngạch thì nay một phần được sản xuất chính trong nội địa. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng chính sách hải quan thông thoáng theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế để gian lận thương mại dưới nhiều hình thức như nhập lậu hàng hóa qua các cửa khẩu kê khai hải quan, áp giá mã hàng sai…
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng lợi dụng sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, các kho hàng của bưu chính để tàng trữ, kinh doanh hàng giả nhãn mác, xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng. Đồng thời, để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, những đường dây buôn lậu thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm giao nhận hàng…

Hàng giả, hàng gian lận thương mại và hoạt động buôn lậu gia tăng cần có biện pháp xử lý đồng bộ, quyết liệt tại tuyến biên giới. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, trong thời kỳ dịch bệnh đã xuất hiện phương thức mới trong vận chuyển hàng lậu, hàng cấm là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm.
Tại các tỉnh biên giới, hoạt động của các đối tượng có sự liều lĩnh và dùng mọi thủ đoạn để vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa trái phép qua biên giới. Với những đối tượng sản xuất hàng giả ngay trong thị trường nội địa, không chỉ mặt hàng mang thương hiệu nổi tiếng quốc tế bị làm giả mà ngay cả những mặt hàng được tiêu thụ tốt do doanh nghiệp trong nước sản xuất cũng bị làm giả.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có hạn sử dụng như thuốc men, thực phẩm quá hạn cũng bị các đối tượng này thu gom rồi tẩy xóa, sửa lại hạn sử dụng đem về thị trường tại các vùng nông thôn tiêu thụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Tinh vi hơn, các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái thường hoạt động theo đường dây với sự tham gia của nhiều chân rết ở các tỉnh thành khác nhau, thậm chí cả người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch để lập chuyên án đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó các hoạt động này thường diễn ra liên tỉnh trong khi việc phối hợp giữa các đơn vị, địa phương còn nhiều hạn chế nên nhiều vụ mặc dù đã xác định được nhưng đến phút cuối lại bị lộ thông tin dẫn đến các đối tượng thay đổi kế hoạch, bỏ trốn ảnh hưởng đến quá trình phá án.
Một trong những nguyên nhân chính đó là một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, điều tra và bắt giữ. Bên cạnh đó, công tác nhận định, dự báo, đánh giá tình hình thị trường, trao đổi thông tin giữa các đơn vị, địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt và kịp thời.
Xác định địa bàn trọng điểm để phòng chống buôn lậu, hàng giả
Để phòng chống, ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả xuất hiện ồ ạt trên thị trường dịp cuối năm, Tổng cục QLTT đã xác định địa bàn trọng điểm để kiểm tra, kiểm soát là khu vực cửa khẩu trên cả nước. Theo đó tại kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, Cục QLTT phía Bắc sẽ tập trung cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn), cửa khẩu Kim Thành, chợ Cốc Lếu (Lào Cai), thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh)… với các mặt hàng trọng điểm như pháo nổ, hàng thời trang, mỹ phẩm và các loại đồ uống.
Ở các cửa khẩu tuyến biên giới miền Trung như cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), cửa khẩu Lao Bảo, chợ Đông Hà (Quảng Trị), lực lượng Quản lý Thị trường sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm như đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, nước giải khát. Lực lượng Quản lý thị trường tuyến biên giới Tây Nam sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang )… với các mặt hàng như thuốc lá, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật… Cùng với đó các lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh và các tuyến phố buôn bán sầm uất.
Theo đó, kế hoạch cao điểm của Tổng cục QLTT sẽ tập trung vào 06 nội dung chính, gồm: Xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, xây dựng Kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT trong đợt cao điểm; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống…, các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới. Ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công chức hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân công chức tha hóa, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đánh giá của Tổng cục QLTT, việc kiểm tra và xử phạt với các vụ buôn bán, sản xuất hàng lậu, hàng giả chỉ là phần ngọn và nếu không có biện pháp quyết liệt hơn thì không thể giải quyết triệt để. Do đó công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng mà còn là trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, tổ chức tham gia vào thị trường và tiêu dùng. Việc chủ động tố giác hành vi vi phạm khi phát hiện ra cũng là cách để người tiêu dùng bảo vệ mình cũng như những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Theo BCĐ 389
Tin liên quan