HỘI THẢO “THỊT LỢN-BÌNH ỔN GIÁ VÌ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG”

Liên tục những tháng từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn trong cả nước tăng rất mạnh và hiện vẫn đang đứng ở mức rất cao, đã gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và quyền lợi người tiêu dùng, mặt khác, nếu tình hình không được giải quyết cơ bản, sẽ dẫn đến tiếp tục làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI trong nền kinh tế đất nước (Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân quý I/2020, giá thịt lợn tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2019, góp 2,47% trong mức lạm phát 5,6% của quý I/2020). Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho tình hình này như thế nào?

Để tìm ra câu trả lời nhằm đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, ngày 15/5/2020 tại Trụ sở Trung ương Hội, Tầng 18 Tòa nhà LADECO, 266 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thịt lợn-Bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng”.

Đến dự Hội thảo có PGS.TS.Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; đại biểu Vụ Kinh tế Ủy ban Kinh tế Quốc hội; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước: Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); đại diện các doanh nghiệp: Công ty CP Chăn nuôi C.P.Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn OCOP Việt Nam. Về phía Hội, có tập thể Lãnh đạo, đại diện các Tổ chức trực thuộc, Văn phòng và các Ban. Về phía Cơ quan báo chí, có Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Công Thương, Báo Nhân Dân, TTXVN và đông đảo phóng viên của gần 20 cơ quan báo đến dự và đưa tin rất kịp thời.

Trong phát biểu đề dẫn của người chủ tọa Hội thảo, Chủ tịch Hội Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở hướng hội thảo bằng cách đặt các câu hỏi cụ thể: Nguyên nhân nào dẫn đến giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay? Thịt lợn cũng tuân theo quy luật cung cầu, liệu có phải hiện nay do cung nhỏ hơn cầu không, mà giá tăng cao như vậy? Ông cho rằng nghịch lý ở chỗ là từ 1/4/2020 cả 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, tốc độ tái đàn cũng đã tăng, thịt nhập khẩu tăng tới 312% so với cùng kỳ năm ngoái, song giá thị lợn vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài cho đến nay. Giải pháp nào để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đưa giá thịt lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg, cũng là mong đợi của trên 96 triệu người tiêu dùng cả nước? Có hay không việc doanh nghiệp chăn nuôi hạn chế nguồn cung để tạo ra khan hiếm giả tạo? Cần chỉ ra những khâu trung gian nào không cần thiết, đã đội giá thịt lên như vậy?

Ông cho rằng, không có cơ sở để cung ứng thịt lợn thiếu hụt nhiều so với trước. Theo số liệu thống kê, thấy rất rõ, lợi nhuận của nuôi lợn, nhất là các doanh nghiệp lớn, hiện rất cao, rõ ràng vẫn còn dư địa để giảm giá thịt lợn hơi, trên cơ sở đó giảm giá bán lẻ thịt lợn; Sau dịch tả lợn Châu Phi, hầu hết toàn bộ con giống, lợn nái do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nắm giữ, giá được đẩy lên mức 2,5-3 triệu đồng/con, gấp 3 lần mức giá trước đây. Không để việc cung ứng con giống rơi vào thế độc quyền.

Quyền được cung cấp thông tin là một trong những quyền của ngưới tiêu dùng theo Luật định. Theo Luật Chăn nuôi, tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai về hoạt động chăn nuôi. Các cơ quan chức năng của các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương cập nhật giá và thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước, công bố trên bản tin chuyên ngành, phương tiện thông tin đại chúng.

Cuối cùng và quan trọng nhất là giải pháp nào để bình ổn giá, nhằm đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 3 bên: Nhà nước, người sản xuất, người tiêu dùng.

Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và BVNTD Bộ Công Thương đã trình bày bài tham luận khá toàn diện và sâu sắc của Cục về thình hình thị trường thịt lợn hiện nay, cho rằng, nguyên nhân tăng giá là: 15 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn chỉ chiếm thị phần lợn thịt 35%, còn lại 65% thị phần do các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân nhỏ lẻ; Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao; Hiện tượng thẩm lậu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn qua biên giới; Dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, hạn chế nguồn cung thịt lợn. Ông cũng nói thêm, có thể thời gian qua, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn xuất ra hạn chế, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung.

Bản tham luận nêu ra các kiến nghị toàn diện đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, bao gồm: Cơ quan nhà nước xây dựng cơ chế công bố thông tin về thị trường thịt lợn; Tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo minh bạch về giá trong chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn; Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lợi NTD, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá; Có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc sản xuất thịt lợn.

(Ô.Quảng cho biêt thêm, đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hiện Cục CT và BVNTD đang thu thập, xác minh các thông tin liên quan và trong trường hợp phát hiện dấu hiệu của hành vi vi phạm sẽ điều tra, xử lý theo pháp luật cạnh tranh).

Doanh nghiệp: Không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và pháp luật bảo vệ NTD; Công khai, minh bạch các yếu tố có liên quan trong việc sản xuất, phân phối thịt lợn; Tích cực hợp tác với cơ quan quản lý để xây dựng một thị trường thịt lợn phát triển; Chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi NTD, tạo lợi thế cạnh tranh.

Người tiêu dùng: Chủ động tìm hiểu các thông tin có liên quan và đưa ra quyết định tiêu dùng thông minh; Cân đối tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong bữa ăn với các thực phẩm khác như gà, bò, cá tôm,v.v…; Không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và bảo vệ NTD; Chủ động tố cáo tới các cơ quan quản lý về các hành vi vi phạm.

PGS.TS.Hoàng Văn Cường phát biểu cho rằng, hiện tại không chỉ giá lợn giống tăng cao, mà các chi phí cho thức ăn chăn nuôi, thú y cũng tăng, khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, dẫn đến giá lợn hơi luôn ở mức cao.

Ông cũng đặt câu hỏi, có tình trạng găm lợn đã đến tuổi xuất chuồng của doanh nghiệp lớn không? Sau dịch tả lợn Châu Phi, nguồn cung cấp chủ yếu chỉ còn tập trung vào các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có chuỗi kinh doanh qua nhiều khâu trung gian quá: Cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ bán cho cơ sở chăn nuôi lớn, cơ sở chăn nuôi lớn bán cho đại lý cấp 1, đại lý cấp 1 bán cho đại lý cấp 2, cấp 3, sau đó bán cho lò mổ, lò mổ bán cho nhà phân phối cấp 1, sau đó mới đến cấp 2 và các kênh phân phối lẻ…Chính vì khâu trung gian này dẫn đến hệ lụy là khi giá lợn hơi giảm, nhưng NTD vẫn phải mua thịt lợn với giá cao. Ông khẳng định, các khâu trung gian hiện nay đang quyết định nhiều đến giá thịt lợn, mỗi khâu chỉ hưởng lợi 10% cũng đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới giá thịt. Giá thịt lợn tăng, theo ông, 50% là do nguồn cung và 50% là do các khâu trung gian, làm tăng giá bán lẻ. .

Để giảm giá thịt lợn, cần đảm bảo nguồn cung, cần tăng nguồn cung và cần tổ chức lại, bỏ bớt khâu trung gian, đồng thời kiểm soát thật chặt chẽ các khâu trung gian này. Cao hơn nữa là đưa thịt lợn vào danh sách mặt hàng bình ổn giá. Về phía người tiêu dùng, cũng nên thay đổi cơ cấu bữa ăn, không nên tập trung nhiều quá vào thịt lợn, mà chuyển sang dùng nhiều thịt gia cầm.

Ông cũng nhận định việc minh bạch hóa thông tin chăn nuôi là chìa khóa để giải quyết vấn đề bất ổn giá thịt lợn trong ngắn hạn và dài hạn. Khi có đầy đủ thông tin, người ta có thể biết được nguồn cung thế nào, thiếu thực sự hay chúng ta chưa bung sức, con giống khả năng ra sao, quy mô trong tương lai thế nào.

Ngoài ra, Ô.Hoàng Văn Cường còn phân tích, nghi ngại về khả năng có thể có rủi ro cho các hộ gia đình, trang trại quy mô nhỏ, khi đang tái đàn ồ ạt. Điều này rất rủi ro trong dài hạn, bởi chi phí chăn nuôi hiện đang cao, nhưng liệu 5-6 tháng nữa giá lợn có cao để bù đắp chi phí được không ?

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và PTNT, đã cung cấp nhiều thông tin về tình hình và số liệu chăn nuôi lợn trên cả nước, những vấn đề cần đặt ra mà Cục nói riêng và cả Bộ NN và PTNT nói chung phải giải quyết. Về giá thịt lợn, ông cho rằng, hiện giá thịt lợn hơi vẫn phải chịu cao, việc tái đàn cần thời gian. Cá nhân ông nghĩ rằng, có lẽ phải đến cuối quý III, thậm chí quý IV năm nay, giá mới có thể giảm nhiều được. Về các giải pháp, ông kiến nghị: Về mặt kỹ thuật, cần đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc để giảm khâu trung gian, từ đó giảm giá; Nhất trí cần đưa thịt lợn vào danh sách mặt hàng bình ổn giá; Tiếp tục nhập khẩu thịt lợn; Cần tăng cường kiếm soát, ngăn chặn xuất khẩu lậu lợn và thịt lợn; Cần tuyên truyền người dân thay đổi tập quán tiêu dùng, không quá tập trung vào thịt lợn.

Ông Trương Quang Đoàn, đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, phát biểu cho rằng nguyên nhân chủ yếu làm giá thịt lợn tăng mạnh thời gian qua là thiếu nguồn cung; đại dịch COVID-19 cũng gây ảnh hưởng. Về hệ thống trung gian, tuy cho rằng mô hình đại lý phân phối là phù hợp với kinh tế thị trường, nhưng ông cũng bày tỏ nhất trí cần kiểm tra lại hệ thống trung gian, để giảm giá bán thịt lợn tới tay NTD. Mặt khác, NTD cũng cần thay đổi tập quán tiêu dùng đối với thịt lợn hiện nay.

Ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P.Việt Nam đã trình bày bài tham luận, trong đó nêu rõ, C.P. đã và đang đồng hành cùng Chính phủ để hỗ trợ giá thịt lợn hơi, đồng thời nỗ lực mở rộng các chuỗi và các gian hàng bình ổn giá, giảm khâu trung gian để cung ứng thịt lợn tới tay người tiêu dùng. Ông thấy việc chúng ta chú trọng và kêu gọi tăng tốc tái đàn, tăng đàn để sớm kéo giảm giá thịt lợn trên thị trường là đúng đắn. Về giá cả trong các tháng 4-5/2020, do chu kỳ sản xuất lợn thịt từ đàn lợn nái là 10 tháng, như vậy sản lượng thịt lợn của tháng 4-5/2020 phụ thuộc vào tổng đàn nái sinh sản tại thời điểm tháng 6-7/2019 chính là thời diểm cao nhất của dịch tả lợn Châu Phi.

C.P. đã và đang tổ chức khâu giết mổ (đang triển khai tại một số tỉnh phía Nam và miền Trung, sẽ xây dựng Nhà máy giết mổ và pha lóc thịt lợn diện tích 6 ha tại KCN Phú Nghĩa) và trực tiếp bán thịt lợn mảnh, lợn móc hàm đến tận người bán lẻ, nhằm bớt khâu trung gian, đã kéo giá thành thịt lợn giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với giá thị trường. C.P. không chủ trương găm hàng, hàng ngày cung cấp ra thị trường 15.000-17.000 con lợn, với giá lợn hơi là 70.000 đồng/kg và 95.500 đồng/kg lợn móc hàm tại chuỗi cửa hàng Pork Shop.

Hội thảo đã nghe phát biểu tâm huyết của đại diện NTD, Bà Thái Hồng Hảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ NTD Thăng Long, nêu rõ lợi ích nhiều mặt của việc ăn thịt lợn, thịt lợn là nguồn bổ sung dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể con người, thịt lợn là món ăn truyền thống và thông dụng nhất trong hầu hết các gia đình Việt Nam. Việc giá thị lợn tăng cao kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của người dân và là vấn đề NTD hiện đang rất bức xúc. Từ đó, bà mong muốn các cơ quan chức năng tìm ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết, góp phần cải thiện cuộc sống của nhân dân.

Hội thảo cũng đã có phần thảo luận sôi nổi về các vấn đề chưa rõ trong thống kê và việc thiết kế chính sách của Cục Chăn nuôi; các cơ quan nhà nước cần minh bạch thông tin về sản xuất lưu thông, giá cả thịt lợn; một số suy nghĩ cá nhân về cách điều hành của một số cơ quan hữu quan.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu bế mạc và kết luận:

Hội thảo đã thống nhất đánh giá, thịt lợn là thực phẩm thiết yếu, tuy nhiên giá thịt lợn trong thời gian từ tháng 8/2019 đến nay đang ở mức cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid – 19, giá thực phẩm đắt đỏ càng làm cho đời sống người tiêu dùng khó khăn hơn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Từ đó, việc đưa giá thịt lợn mà trước hết là giá thịt lợn hơi về mức hợp lý là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Hội thảo kiến nghị một số vấn đề sau:

1)Cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ nguyên nhân giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay. Tuy không có doanh nghiệp nào có thị phần từ 30% trở lên có liên quan, nhưng có hay không một doanh nghiệp nào đó có sức mạnh thị trường đáng kể để lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt giá? Có hay không hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thao túng giá, găm hàng trục lợi?

2)Để giúp cho việc thực hiện quyền giám sát, cần minh bạch thông tin. Cụ thể theo Luật Chăn nuôi, tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi; Bảo đảm minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng.

3)Theo Luật Chăn nuôi, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT dự báo nguồn cung. Bộ Công Thương và Bộ NN và PTNT cập nhật giá và thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước theo tuần, thị trường quốc tế theo tháng, công bố trên bản tin chuyên ngành và phương tiện thông tin đại chúng.

4)Để nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chống đầu cơ, chống buôn lậu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

5)Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm xã hội, có biện pháp giảm giá thịt lợn hơi xuống như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cuối cùng là giảm giá bán lẻ thịt lợn xuống mức hợp lý.

6)Tuyên truyền tư vấn người tiêu dùng điều chỉnh cơ cấu bữa ăn, giảm tiêu dùng thịt lợn, sử dụng thực phẩm khác thay thế.

Ông cũng cho biết, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) sẽ làm Báo cáo kết quả Hội thảo và thay mặt cộng đồng NTD cả nước, trên cơ sở các kiến nghị đã được thống nhất tại Hội thảo, sẽ có văn bản kiến nghị các giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ và gửi tới các Bộ hữu quan, nhằm sớm giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý, vì quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cả nước ./.

http://quochoitv.vn/Videos/thoi-su/2020/5/on-dinh-gia-thit-lonbao-ve-nguoi-tieu-dung/393063

                                                                                                                                     (TTV)

Tin liên quan