UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cơ quan trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhằm nâng cao trách nhiệm, trình độ năng lực, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện thường xuyên trong năm.
UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện, đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ quyền lợi của bản thân khi thực hiện các hoạt động giao dịch thương mại điện tử nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo…), các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Theo Hội BVNTD Sơn La
Tin liên quan