Không để tình trạng tạo khan hiếm giả phân bón để kiếm lời

Trước tình hình các loại phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu tăng mạnh, Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT đề nghị Tổ Công tác 970 Bộ Công Thương chỉ đạo các Cục quản lý thị trường các tỉnh phía Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng, tạo khan hiếm giả để kiếm lời.

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn ảnh M.K

Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi Tổ Công tác 970 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch COVID-19.

Theo Tổ Công tác 970, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021, ngành nông nghiệp phải vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 nhưng cũng phải duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Nếu để đứt gãy các chuỗi sản xuất này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu lương thực và thực phẩm của người dân nông thôn và thành phố, ảnh hưởng đến nông dân lao động và sản xuất tại các địa phương, hệ thống mua rau, chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hơn thế nữa, toàn ngành đang phấn đấu đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và an ninh lương thực quốc gia về lâu dài.

Để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo chuỗi giá trị không bị đứt gãy, Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT kiến nghị cần có một chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản cho sản xuất thời gian tới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, vật tư phục vụ trồng trọt, giá phân bón trong nước và thế giới đã tăng liên tục. Cụ thể: giá phân bón sản xuất trong nước như: phân đạm Cà Mau từ mức 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg, tăng 72%; phân DAP Đình Vũ từ mức 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg (tăng 67,3%); phân NPK Bình Điền, loại NPK 16-16-8+13S từ mức 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg, tăng 24,3%.

Về giá phân bón nhập khẩu: phân SA bột của Trung Quốc từ mức 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg (tăng 60,6%), phân Kali miếng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg (tăng 72,9%),… Trong khi đó, theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguồn cung phân bón dồi dào và thuốc bảo vệ thực vật đủ cung ứng cho sản xuất vụ Hè Thu còn lại và Thu Đông – Mùa 2021.

Trước tình hình các loại phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu tăng từ 50-73%, đang làm phát sinh nguy cơ buôn bán các loại phân bón không đảm bảo chất lượng hay việc đầu cơ, tích trữ và tăng giá kiếm lời, do vậy, Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT đề nghị Tổ Công tác 970 Bộ Công Thương chỉ đạo các Cục quản lý thị trường các tỉnh phía Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng,… tạo khan hiếm giả để kiếm lời.

Lập kế hoạch phối hợp với thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn các tỉnh phía Nam, đảm bảo việc kinh doanh các sản phẩm phân bón đúng chất lượng và giá theo quy định của nhà nước.

Cũng theo Tổ Công tác 970 Bộ NN&PTNT, để tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch COVID-19, Tổ đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện (chủ trì là Đội Quản lý thị trường) đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phụ gia thực phẩm, phẩm màu, hỗ trợ chế biến thực phẩm và chất lượng phân bón trên địa bàn.

Trong đó, yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản), không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng,…tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.

Khi triển khai việc thanh, kiểm tra cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để tránh sự chồng chéo, gây phiền hà cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cá nhân và doanh nghiệp./.

Theo CT

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *