Ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố triển khai phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, với chỉ tiêu phát triển 50% hộ gia đình có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.
![]() |
Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử sẽ tạo dựng một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả cho nông sản tỉnh Lạng Sơn |
“Bước đầu triển khai đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể là phát triển được 30.626 cửa hàng số cho hộ gia đình và 14.513 tài khoản thanh toán điện tử (tăng gấp 30 lần so với thời điểm trước Lễ ra quân phát triển kinh tế số), có 4.300 mặt hàng đưa lên cửa hàng số bán trên sàn thương mại điện tử langson.postmart.vn và langson.voso.vn” – ông Dương Xuân Huyên thông tin.
Nhằm tiếp tục khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước gương mẫu, tiên phong ứng dụng công nghệ số trong việc mua các sản phẩm nông sản qua sàn thương mại điện tử langson.postmart.vn hoặc langson.voso.vn, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Công văn số 1263/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố về việc thực hiện mua sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Điều này, góp phần thực hiện giải pháp hạn chế chuỗi cung ứng, tiêu thụ bị gián đoạn, đứt gãy, nhất là ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hoá, nhằm hỗ trợ nông dân trong tỉnh tiêu thụ sản phẩm nông sản, vừa nâng cao đời sống vật chất, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, vừa đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hướng tới tạo dựng một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững,
Với tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh hiện có là 28.385 người, việc thực hiện mua sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử sẽ tạo sự lan tỏa lớn trong xã hội. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai phổ biến đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) thuộc phạm vi quản lý tăng cường mua sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử, vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mua ít nhất một sản phẩm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử langson.postmart.vn hoặc langson.voso.vn.
Các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả tổ chức, triển khai thực hiện về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/9/2021, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (gồm số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia mua sản 2 phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử; số lượng mặt hàng sản phẩm nông sản; số tiền mua mặt hàng nông sản).
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo Bưu điện tỉnh Lạng Sơn, Chi nhánh Bưu chính Viettel Lạng Sơn triển khai hướng dẫn hộ gia đình có sản phẩm nông sản đưa lên cửa hàng số để bán trên sàn thương mại điện tử; cung ứng đủ người, phương tiện vận chuyển, đóng gói hàng hóa đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đaọ sản xuất, kiểm tra chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đưa lên cửa hàng số, đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn khác có liên quan; giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai chương trình xúc tiến thương mại đưa sản phẩm nông sản lên cửa hàng số để tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng Công nghệ Thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết thêm, hiện nay, Sở tiếp tục đề nghị 2 đơn vị: Viettel Lạng Sơn và Bưu điện tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ bà con trong việc lập tài khoản số và hướng dẫn cách sử dụng. Mục tiêu là trước ngày 20/9, tại 5 huyện triển khai phát triển kinh tế số giai đoạn 1, có 50% số hộ có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử; đối với các huyện còn lại, mục tiêu trên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.
Theo dự kiến, khi hoàn tất, lượng nông sản tiêu thụ qua các sàn có thể đạt gần 10 tấn/ngày. Trong quá trình thực hiện, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chú trọng lựa chọn các cá nhân khai thác hiệu quả lợi ích từ sàn thương mại điện tử, từ đó, phát triển mạng lưới các tài khoản “đầu tàu”, tạo sức lan tỏa đến nhiều người dân trong phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Theo CT
Tin liên quan