Lợi dụng dịch bệnh để buôn lậu, gian lận trong hoạt động kinh doanh máy móc, thiết bị y tế

Dịch bệnh bùng phát, nhu cầu sử dụng thiết bị y tế tăng cao, cùng với việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, thì các thiết bị y tế chuyên dùng như bình oxy, máy tạo oxy và máy thở cũng dễ bị mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với các mặt hàng này.

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số người dân tại Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh đổ xô đi mua bình oxy, máy tạo oxy và máy thở để dự trữ và sử dụng tại nhà trong trường hợp chẳng may bị nhiễm Covid-19 trước khi được lực lượng cấp cứu đưa đến bệnh viện. Về việc này, các chuyên gia y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân không nên tự ý mua các thiết bị y tế chuyên dùng trên để sử dụng tại nhà vì không đảm bảo an toàn khi tự ý sử dụng nếu không có chỉ lệnh của bác sỹ hoặc nhà chuyên môn bởi “Nếu không biết cách, oxy truyền vào có thể gây xơ phổi người bệnh”. Mặt khác, chuyên gia y tế cho biết “bình chứa oxy y tế dễ gây ra các nguy cơ về cháy nổ hoặc tai nạn nghiêm trọng do bị rò rỉ oxy nếu việc lắp đặt van điều tiết không đúng cách, hoặc khi bình chứa oxy va đập hoặc các thiết bị bung ra với lực cực mạnh”. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị trên còn đi kèm với các trang thiết bị phụ trợ khác được vận hành bởi các nhân viên y tế có chuyên môn.


Nhiều người còn đặt hàng, tìm mua máy trợ thở

Như vậy, việc tự ý dùng các thiết bị trên kéo theo nhiều nguy cơ rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho chính người sử dụng, đồng thời cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho các mặt hàng trên tăng giá đột biến trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với các mặt hàng này.

Theo phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng được biết: “một bộ van nối, có đồng hồ đo và ống thở, có giá chưa đến 300.000 đồng/bộ nhưng hiện tại đã được đẩy lên từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/bộ có nơi giá bán là 2 triệu đồng/bộ. Thậm chí có loại máy giá lên tới hàng trăm trăm triệu đồng tùy vào tính năng sử dụng và nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh việc một số người dân tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội mua dự trữ bình oxy, máy tạo oxy, nhiều người còn đặt hàng, tìm mua máy trợ thở dẫn đến giá cả các mặt hàng này càng bị đẩy lên cao.

Do nhu cầu cao nên dẫn đến hệ lụy một số đối tượng kinh doanh mặt hàng này do hám lợi nên có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bán lên cao không loại trừ việc nhập lậu mặt hàng trên hoặc gian lận trong quá trình nhập khẩu về bán để thu lợi bất chính.

Được biết, hiện nay bộ van nối, có đồng hồ đo và ống thở oxy được các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc theo khai báo giá mua không tăng so với trước đây, song khi bán ra tại Việt Nam lại tăng gấp nhiều lần. Đáng chú ý đã xuất hiện tình trạng người dân mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên không sử dụng được, hoặc chất lượng không đảm bảo. Điều này cho thấy rất dễ xảy ra tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng trên qua biên giới.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có biện pháp xử lý bằng cách:

Cần thiết xem xét đưa mặt hàng trang thiết bị y tế nêu trên vào nhóm mặt hàng cần quản lý nhà nước về giá, nhằm tránh tình trạng đầu cơ, ép giá, lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá bán lên cao nhằm thu lợi bất chính gây mất ổn định thị trường. Đồng thời các cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ các cơ sở kinh doanh mặt hàng trên, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh mặt hàng này không niêm yết giá hoặc đẩy giá lên cao bất hợp pháp, đặc biệt là các trang thiết bị y tế không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định.

Cần có kế hoạch cụ thể siết chặt việc kiểm soát các đường mòn, lối mở tại biên giới tại các tỉnh phía Bắc vàcác tỉnh giáp Campuchia, Lào nhằm ngăn chặn không để xảy ra hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng trên qua biên giới vào Việt Nam.

Kiểm soát chặt chẽ mặt hàng trên trong hoạt động nhập khẩu, kịp thời pháp hiện, xử lý đối với các trường hợp giả mạo nhãn mác, xuất xứ hoặc gian lận về số lượng, giá…đối với các mặt hàng trên.

Các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu, yên tâm không hoang mang và không nên mua các thiết bị y tế nêu trên để dự trữ và sử dụng tại nhà vì đây là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp các mặt hàng trên gia tăng. Cùng với đó cần thành lập các tổ cấp cứu cơ động để kịp thời cấp cứu kịp cho các ca bệnh nhiễm Covid-19 để người dân yên tâm từ đó không cần mua các thết bị trên để dự phong và sử dụng trong trường hợp bị nhiễm bệnh tại nhà.

Theo BCĐ 389

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *