Trong xã hội hiện đại, việc doanh nghiệp sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với những điều khoản soạn sẵn để ký kết hoặc áp dụng với người tiêu dùng đã trở nên vô cùng phổ biến. Dựa trên lợi thế về thông tin, nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh soạn thảo hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung một cách phức tạp, sử dụng những thuật ngữ chuyên môn khó hiểu hoặc chuyển tải nội dung từ tiếng nước ngoài nhưng ngôn ngữ không được Việt hóa. Trong khi đó, đối tượng người tiêu dùng có trình độ nhận thức, hiểu biết rất khác nhau trong xã hội. Chính vì vậy, sự rõ ràng, minh bạch và dễ hiểu cho mọi người tiêu dùng là tiêu chí bắt buộc để đảm bảo người tiêu dùng hiểu rõ và đầy đủ nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi quyết định tham gia giao dịch.
Bên cạnh các quy định về tính rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật Dân sự còn quy định nguyên tắc giải thích hợp đồng trong trường hợp này như sau:
Khoản 6 Điều 404 Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia”
Cùng cách tiếp cận, Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”.
.Theo đó, đối với những nội dung không rõ ràng hoặc bất lợi do doanh nghiệp đơn phương đưa ra, nội dung đó sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, việc áp dụng nguyên tắc này đã được ghi nhận tại án lệ số 22/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với nội dung:
– Tình huống án lệ:
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quy tắc bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm có yêu cầu không rõ ràng về việc kê khai tình trạng bệnh lý của người được bảo hiểm. Thông tin được yêu cầu kê khai không phải là căn cứ quyết định việc các bên xác lập hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
– Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, phải xác định người mua bảo hiểm không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi ký hợp đồng bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm.
– Nội dung án lệ:
“[4] Tại câu hỏi số 54 Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25-3-2009, câu hỏi: “loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, viêm kiết tràng, khó tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật” bà H đánh dấu vào ô không. Tại biên bản hội chẩn số 42/BV-99 của Bệnh viện B ngày 03-9-2009 bà H khai có tiền sử đau dạ dày 2 năm. Căn cứ theo Biên bản hội chẩn thì bà H có bệnh đau dạ dày từ ngày 03-9-2007 là trước thời điểm bà H ký Hợp đồng bảo hiểm. Phía Công ty C cho rằng cụm từ rối loạn tại dạ dày bao gồm tất cả các bệnh liên quan đến dạ dày trong đó có bệnh đau dạ dày. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh, không đưa ra được một giải thích khoa học nào xác định đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày.
[8] Căn cứ theo các quy định pháp luật nêu trên thì trong trường hợp các bên có sự giải thích khác nhau không rõ ràng khó hiểu thì Điều khoản này phải được giải thích theo hướng có lợi cho bà H. Như vậy, không đủ cơ sở xác định đau dạ dày được bao gồm trong rối loạn tại dạ dày như Công ty C trình bày.
[9] Xét thấy, tại đơn yêu cầu bảo hiểm không có câu hỏi về bệnh đau dạ dày. Như vậy, phía Công ty C cho rằng bà H bị bệnh đau dạ dày mà không khai báo là cố tình khai báo không trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là không có căn cứ.
[10] Tại câu hỏi 61 của Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25-3-2009: “Trong vòng 5 năm trở lại đây, ông, bà đã có làm xét nghiệm chẩn đoán như X-quang, siêu âm, điện tim đồ, thử máu, sinh thiết? Hoặc ốm đau, bệnh tật khám y khoa, điều trị tại bệnh viện nhưng chưa được nêu ở phần trên không?” bà H đánh dấu vào ô không. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía Công ty C cung cấp Phiếu xét nghiệm hóa sinh máu đề ngày 22-9-2008 mang tên người bệnh là Trương Thị H. Phía Công ty C xác định đây là tài liệu do Công ty C thu thập trong hồ sơ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên của Trường Mầm non C nơi trước đây bà H công tác. Công ty C cho rằng vào ngày 22-9-2008, bà H có làm xét nghiệm máu nhưng không khai báo tại câu hỏi số 61, đơn yêu cầu bảo hiểm là bà H cố tình khai báo không trung thực. Xét thấy, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ được các cơ quan, tổ chức thực hiện một cách thường xuyên và định kỳ. Khi tham gia kiểm tra sức khỏe định kỳ, người được khám không biết và không buộc phải biết tổ chức khám chữa bệnh đã tiến hành các biện pháp, phương pháp gì. Hơn nữa, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ bà H không phát hiện dấu hiệu của một căn bệnh nào dẫn đến việc Công ty C từ chối ký kết hợp đồng với bà H. Do đó, không đủ cơ sở xác định bà H cảm thấy cơ thể bất thường mới tiến hành đi xét nghiệm máu sau đó mua bảo hiểm của Công ty C.
[11] Như vậy, chưa đủ cơ sở xác định bà H có gian dối khi ký hợp đồng bảo hiểm, không có cơ sở xác định việc bà H đánh dấu vào ô không của mục 54 và 61 tại Đơn yêu cầu bảo hiểm làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc Công ty C có xem xét để ký hợp đồng bảo hiểm với bà H hay không.”
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thông báo để người tiêu dùng biết và yêu cầu các bên liên quan tuân thủ nguyên tắc giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp phát sinh tranh chấp./.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương)
Tin liên quan