Báo cáo một số khó khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban chỉ đạo 389 Bộ Công an, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường đã đưa ra những vướng mắc trong việc phân loại xử lý vật chứng, việc điều tra xác minh nguồn hàng, thẩm quyền xử lý vi phạm…
Vướng trong xử lý vi phạm
Cụ thể, Bộ Công an cho biết, việc phân loại xử lý vật chứng là hàng hóa mau hỏng, có thời hạn sử dụng ngắn hoặc khó bảo quản mà chưa rõ chủ sở hữu, nguồn gốc xuất xứ, chưa xác định được tiêu chuẩn chất lượng, thuộc danh mục cấp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, không có cơ sở pháp lý để xác định được hàng hóa đủ điều kiện để bán và tiêu thụ trên thị trường. Chi phí định giá, kiểm định chất lượng hàng hóa để đảm bảo điều kiện bán, tiêu thụ trên thị trường là rất cao; nhiều trường hợp xử lý hàng hóa bằng hình thức bán thì số tiền thu được không đủ bù đắp chi phí định giá, kiểm định chất lượng và tổ chức bán đấu giá.
Cùng có vướng mắc trên, Tổng cục Hải quan phản ánh, trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự thì việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra là hết sức quan trọng, nhưng cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng (theo quy định tại Nghị định 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý kho vật chứng được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 2/7/2013, chỉ các cơ quan Công an, Quân đội và thi hành án được tổ chức kho vật chứng phục vụ công điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự). Do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi ở cơ quan Công an nên ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án.

Cơ quan Hải quan gặp khó trong việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: T.Tr
Đơn cử như hành vi mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh được thực hiện qua nhiều quốc gia nên việc thu thập chứng cứ qua biện pháp tương trợ tư pháp gặp nhiều khó khăn, kết quả trả lời không đầy đủ hoặc kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra.
Bên cạnh đó, với thủ đoạn khai báo sai tên hàng hóa, lập khống hồ sơ nguồn gốc đầu vào dẫn đến việc cơ quan kiểm định Hải quan ra thông báo kết quả phân tích kèm mã hàng hóa không đúng với hàng hóa thực xuất để xuất khẩu hàng hóa thuộc diện không được phép xuất khẩu; việc điều tra xác minh nguồn hàng, thu giữ mẫu hàng hóa, giám định và hoạt động chuyển tiền qua các đối tượng buôn tiền ở biên giới gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện thẩm quyền điều tra
Với thủ đoạn thành lập các công ty dưới tên pháp nhân không có thật (sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thành lập Công ty có chức năng nhập khẩu); khi cơ quan chức năng phát hiện các đối tượng thường bỏ hàng, không tiếp tục làm thủ tục khai báo hải quan. Do đó, quá trình điều tra, xác minh làm rõ đối tượng là chủ hàng gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa nên khó khăn trong công tác điều tra đối tượng chính.
Tổng Cục Hải quan cho biết, theo quy định tại Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định “Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án”. Như vậy, thời hạn điều tra theo quy định đối với lực lượng Hải quan là quá ngắn vì có những vụ việc khi cơ quan Hải quan yêu cầu giám định thì chất lượng và thời hạn chưa được đảm bảo và kịp thời cho công tác điều tra và xử lý vụ án.
Còn theo Ban chỉ đạo 389 của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, BĐBP không có thẩm quyền điều tra đối với tội danh liên quan đến pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 Bộ luật Hình sự); Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 Bộ Luật hình sự); hoặc các hành vi liên quan đến khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép gỗ; các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã thuộc Danh mục thực vật rừng nguy cấp quý hiếm, quy định tại Bộ luật Hình sự: Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (Điều 232); Tội vi phạm quy định về quản lý rừng (Điều 233) bao gồm cả các hành vi mua bán, vận chuyển qua biên giới; Tội vi phạm quy định về bảo vệ vật hoang dã (Điều 234); Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy Bao cấp, quý hiếm (Điều 244).
Đây là các hành vi phạm tội thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng bắt giữ nhiều, số lượng lớn, nhưng không được pháp luật quy định có thẩm quyền điều tra, từ đó hạn chế kết quả đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.
Đan xen chức năng, nhiệm vụ
Nêu những khó khăn, vướng mắc, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, theo Pháp lệnh QLTT, Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg, hoạt động chủ yếu của lực lượng QLTT là thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh, lưu thông hàng hóa, hoạt động thương mại, công nghiệp; chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong việc chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…và thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thương mại. Lực lượng QLTT có phạm vi hoạt động rộng, đối tượng cần kiểm tra, kiểm soát rất lớn, phức tạp và ảnh hưởng nhiều đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Phạm vi kiểm tra, kiểm soát gồm: kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường; trong quá trình kiểm tra hàng hóa, nếu phát hiện có vi phạm thì lực lượng QLTT được quyền thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hóa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương; kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng QLTT được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật quản lý chuyên ngành hiện nay đồng thời giao nhiệm vụ cho lực lượng QLTT thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012; Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Luật Thú y năm 2015; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013; Luật Đo lường năm 2011; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005…
Như vậy, về phạm vi chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT vừa đan xen công tác quản lý nhà nước chuyên ngành của các Bộ, ngành khác, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa. Nội dung này cần được rà soát, đánh giá, nghiên cứu, quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT trong tổng thể hệ thống pháp luật đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhằm phát huy tối đa nguồn lực của lực lượng trong thời gian tới.
Tin liên quan