Phát hiện nhiều kít test nhanh, tránh hàng không rõ nguồn gốc

Chỉ trong thời gian ngắn lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều bộ kit test nhanh Covid-19. Thậm chí hiện nay nhiều người còn nhầm lần giữa que test nhanh với que chứng dương.

Thu giữ nhiều bộ kit test nhanh Covid-19

Căn cứ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân sau khi đã được thẩm tra, xác minh, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT Số 1 đã phối hợp cùng phòng Cảnh sát Môi trường – Công an tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra một đối tượng vận chuyển bộ kit test nhanh Covid-19 trên phương tiện mô tô BKS 20M7-3645 đang chào bán hàng tại địa phận thuộc tổ 1, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa gồm 200 bộ bộ kit test nhanh Covid-19, nhãn hiệu DVOT SART-COV-2 ANTIGAN do nước ngoài sản xuất. Đấu tranh, khai thác đối tượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa trên.

Đoàn kiểm tra đã báo cáo, đề xuất Đội trưởng Đội QLTT số 1 tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tương tự, thời gian gần đây, Công an quận Hoàng Mai nhận được thông tin trên địa bàn quận có một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động mua bán các bộ kit test nhanh Covid, được quảng cáo là hàng xuất xứ từ nước Đức, Pháp, Hàn Quốc… Tuy nhiên, các kit test trên chủ yếu là hàng trôi nổi, xách tay chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo đó, tại địa chỉ số 39, ngách 15 ngõ 112 phố Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15- Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, kiểm tra T.T.N (SN: 1996, HKTT: tổ 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) đang tập kết 02 thùng catton bên trong có 145 bộ kit test nhanh Covid-19 ngoài vỏ ghi nhãn Nasocheck comfort Sars-Covid-2 và Rapid Sars-covid-2 do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tổng số hàng hóa trị giá 17.400.000 đồng.

Tại cơ quan Công an, T.T.N khai nhận đã mua số kit test nhanh trên của người không quen biết qua mạng xã hội, với giá 120.000 đồng/bộ, mục đích để bán lại kiếm lời với giá 170.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, chưa kịp bán ra thị trường các đối tượng đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Dùng test nhanh Covid-19  tại nhà cẩn thận không nhầm với ‘que chứng dương’

Liên quan tới bộ kit test nhanh Covid-19, theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, nhiều người dân tự mua kit test nhanh Covid-19 đã vô tình sử dụng luôn cả que chứng dương – loại que kháng nguyên mà khi nhỏ bất cứ dung dịch gì lên cũng cho kết quả dương tính, nên dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười…

Anh Đ.N.T. (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết anh thường xuyên test nhanh Covid-19 trước khi vào chỗ làm. Trong một lần sử dụng, anh đã lấy ngay một que test mà anh không biết là loại chứng dương (một loại que mẫu của hộp kit test), kết quả báo anh dương tính với Covid-19. Lo lắng, anh T. thử test lại nhiều lần với kit test của các hãng khác và cho kết quả âm tính.

 Thận trọng khi mua kit test nhanh Covid-19 vì dễ nhầm lẫn với que chứng dương. Ảnh: Tuổi Trẻ

Để an tâm tuyệt đối anh vẫn đến bệnh viện để xét nghiệm RT-PCR và được khẳng định âm tính. “Mình đã đem cả que test và khay thử mẫu đến gặp bác sĩ, lúc đó mới được cho biết mình lấy nhầm que test mẫu chứng dương, nhỏ dung dịch gì vào cũng dương tính”, anh T. kể lại.

“Dù bình tĩnh nhưng cảm giác lúc đó khó chịu vô cùng”. Đó là chia sẻ của bà B.N. (ngụ quận 3, TP.HCM) khi nói về lần test nhầm que chứng dương.

Bà N. cho biết mình mua loại kit test hộp 25 que từ một người quen. Khi có kết quả dương tính đã vô cùng bất ngờ và hoang mang, đến khi liên hệ lại người bán thì mới biết bà đã sử dụng nhầm que test mẫu.

Hiện nay, trong bối cảnh bình thường mới, nhiều người có nhu cầu sử dụng kit test nhanh Covid-19 tại nhà hay cơ quan làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thông tin về que test mẫu (que chứng âm, que chứng dương) và nhận diện được hai loại que này.

Nếu không cẩn trọng rất dễ xảy ra các trường hợp như ông T., bà N. hoặc có thể nghiêm trọng hơn khi bản thân mắc bệnh Covid-19  nhưng lại test nhầm que chứng âm, làm tạo ra kết quả âm tính giả.

Thông tin về vấn đề này, BS Nguyễn Đình Phương (thuộc Trạm y tế phường 4, quận 3) – người có nhiều kinh nghiệm lấy mẫu, truy vết cộng đồng trong đợt dịch vừa qua – cho biết đã có trường hợp tình nguyện viên của trạm khi thực hiện lấy mẫu cho người dân đã lấy nhầm hai loại que test mẫu này.

“Ở một số loại kit test nhanh Covid-19 khi đóng hộp sẽ có hai que test mẫu, một là que chứng dương, sẽ cho ra kết quả dương tính ngay cả khi không lấy mẫu hoặc lấy bất cứ dung dịch thử gì thì que đó vẫn hiển thị hai vạch, còn que chứng âm thì nguyên lý hoạt động sẽ ngược lại”, BS Phương chia sẻ.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – những loại que mẫu không sử dụng để lấy dịch tỵ hầu mà chỉ dùng để kiểm tra chất lượng bộ kit test.

“Que chứng dương là que tăm bông có chứa sẵn kháng nguyên, nếu thử que chứng dương mà kết quả là âm tính thì kit test bị sai. Que chứng âm là tăm bông hoàn toàn kháng nguyên, nếu thử trên kit test thì phải có kết quả âm tính, nếu kết quả lại dương tính thì kit test đó bị sai”, ông Dũng cho biết.

Theo các chuyên gia, không phải tất cả các loại kit test trên thị trường đều có hai que mẫu này, tuy nhiên khi chọn mua sản phẩm, người dân phải hết sức thận trọng. Nên mua loại kit bán tại các nhà thuốc, theo danh mục mà Bộ Y tế cấp phép, tránh mua sản phẩm trôi nổi, hàng giả, kém chất lượng.

Theo Vietq

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *