Phát huy vai trò của VICOPRO trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá

Hưởng ứng các hoạt động về Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2022, Ban Truyền thông và Tổ chức sự kiện đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá của Hội hiện nay.

Phóng viên:  Chào ông, ông có thể cho biết vai trò của Hội trong việc bảo vệ người tiêu dùng phòng, chống tác hại của thuốc lá như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:  Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, Hội Bảo vệ người tiêu  dùng Việt Nam (VICOPRO) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một trong những nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hội có chức năng tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. VINASTAS (tiền thân của VICOPRO) đã  tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; VICOPRO tham gia ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Bộ Y tế.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có 8 quyền, trong đó, quyền hàng đầu là được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe. Một chức năng quan trọng khác của Hội là tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng. Để góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có bảo vệ sức khỏe, riêng Trung ương Hội, trong năm 2021 đã tham gia 69 diễn đàn, tọa đàm, hội nghị, hội thảo và thực hiện 65 cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Qua đó, tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, đưa ra kiến nghị và lên tiếng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì thuốc lá. Ngày 18/6/2012 Quốc Hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, nhập lậu thuốc lá là hành vi bị nghiêm cấm. Ngày 30/9/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30-CT/TTg về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Công tác thực thi cũng đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, nạn buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp, gây thất thu ngân sách, thiệt hại cho sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hệ quả của tình trạng buôn lậu thuốc lá là hàng năm Nhà nước thất thu thuế; đặc biệt, thuốc lá nhập lậu đồng nghĩa  không làm thủ tục thông quan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dưới góc độ tổ chức xã hội luôn đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ngày 17/7/2020 đã tổ chức Hội thảo chống buôn lậu thuốc lá, nhằm tìm giải pháp từng bước ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, bảo vệ quyền lợi Nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, để tuyên truyền về pháp luật phòng, chống tác hại thuốc lá, theo đề xuất của Hội, Bộ Y tế đã quan tâm, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá đã ký hợp đồng hỗ trợ Hội thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2021- 2022, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá là xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hội là một kênh có vai trò trong việc bảo vệ người tiêu dùng phòng, chống tác hại của thuốc lá ngay từ tham gia xây dựng đến tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tư vấn tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch VICOPRO

Phóng viên: Hội làm gì để người tiêu dùng nhận thức được tác hại của thuốc lá để bỏ thuốc?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:  Sử dụng chức năng tư vấn kiến thức tiêu dùng, thông qua các phương tiện truyền thông, Hội tuyên truyền sự độc hại, nguy hiểm của thuốc lá gây ra một cách âm thầm đối với sức khỏe con người, không phân biệt họ là ai, giầu hay nghèo. Khi ung thư do thuốc lá gây ra đã phát triển đến giai đoạn cuối đều vô phương cứu chữa. Từ đó vận động họ cai nghiện hoặc ít nhất cũng hạn chế hút thuốc. Thực tế cho thấy, người hút thuốc lá, là người nghiện thuốc lá, nhưng cũng có thể là người chưa nghiện thuốc lá. Do vậy cần có cách tiếp cận khác nhau. Đối với người nghiện, chiếm số đông, nhưng khi đã nghiện thì việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá đối với họ không hề dễ dàng. Tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền gián tiếp thông qua vợ, con người nghiện. Hiện nay, Trung ương Hội đã có 2 Câu lạc bộ người tiêu dùng nữ, trong đó Câu lạc bộ Người tiêu dùng Thăng Long có trên 620 hội viên. Một số Hội ở địa phương cũng có Câu lạc bộ người tiêu dùng nữ. Hội sử dụng trang Website để tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá. Đối với người chưa nghiện, phần đông là giới trẻ, Hội cũng tuyên truyền tính độc hại, nguy hiểm của thuốc lá để họ từ bỏ hút thuốc lá.

Dù là đối tượng nào, cũng cần tuyên truyền, yêu cầu người hút thuốc lá không hút tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá. Cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

Phóng viên: Kế hoạch của Hội trong thời gian tới để triển khai và thực hiện vai trò đó như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trong năm nay, Hội sẽ triển khai một số hoạt động như sau:

  1. Tổ chức Lễ phát động hưởng ứng các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vì sức khỏe người tiêu dùng.
  2. Phối hợp với Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, tổ chức hai buổi truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho hội viên tại hai địa phương. Nội dung về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của thuốc lá, nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra. Hướng tới xây dựng môi trường không khói thuốc lá, bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.
  3. Sản xuất hiện vật, tài liệu truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
  4. Tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tác hại của thuốc lá vì sức khỏe người tiêu dùng.

Phóng viên: Gắn với vai trò của Hội, các Hội viên cần làm gì để giúp Hội thực hiện được kế hoạch/mục tiêu phòng chống tác hại của thuốc lá?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:  Hiện nay, Hội có 53 Hội thành viên ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 10 Tổ chức thành viên và trực thuộc; với 250 hội viên tập thể, gần 137 ngàn hội viên cá nhân. Các Hội địa phương và các Tổ chức trực thuộc sẽ tham gia các hoạt động do TW Hội tổ chức và tổ chức triển khai các hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố và tại đơn vị mình. Nhiều Hội đã có mạng lưới tổ chức ở quận, huyện, xã, phường, nên có điều kiện tuyên truyền đến đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, Hội là tổ chức phi lợi nhuận, để tổ chức các hoạt động cần có kinh phí. Tin rằng, nếu được hỗ trợ kinh phí, các Hội địa phương và Tổ chức trực thuộc sẽ giúp Hội thực hiện được kế hoạch, mục tiêu phòng, chống tác hại thuốc lá đã đề ra./.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Bảo Khánh 

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *