Quốc tế cần mua nhưng Việt Nam khó giao hàng

Khách quốc tế có nhu cầu nhập gạo nhưng doanh nghiệp Việt lại không thể giao hàng, khiến gạo khó tiêu thụ, giá giảm.

Nhu cầu có, không đem bán được

Giá lúa gạo đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500 – 600 đồng/kg. Theo Bộ Công Thương, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần từ 2/8 đến ngày 6/8 ổn định vào đầu tuần; giữa tuần giá lúa giảm từ 50 – 300 đồng kg sau đó cuối tuần tăng nhẹ.

Quốc tế cần mua nhưng Việt Nam khó giao hàng
Giá lúa đang giảm do khó vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, giá lúa IR50404 dao động trong khoảng 4.400 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900 – 1.300 đồng/kg. Giá lúa OM9577 và OM9582 trong khoảng 5.600 – 5.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg…

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Bộ NN&PTNT về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL ngày 7/8, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) lo lắng: Hiện tại, giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được.

Hiện nay, sản lượng thu mua lúa Hè Thu 2021 sụt giảm 20-30%; doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ”; sấy lúa, nhà máy xay, ghe…. không hoạt động được do phải có test nhanh.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thừa nhận rằng, thời gian qua dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Đồng Tháp áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” nên doanh nghiệp xay xát lúa gạo trên địa bàn còn hoạt động chỉ là 49/239 doanh nghiệp. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ hàng hoá nông sản nói chung, trong đó có lúa.

Về tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lúa hàng hóa diễn ra từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng đường bộ hay đường thủy.

Cụ thể, nông dân không bán được sản phẩm. Nhà máy không mua được hàng. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, salan giao lên cảng. Hàng hóa tại kho không được khử trùng, giám định kịp thời theo quy định. Hàng giao ra cảng thiếu hoặc không có bốc xếp giao lên tàu biển. Công nhân bốc xếp phải thực hiện “3 tại chỗ” rất khó khăn trong điều kiện trên tàu.

“Tân Cảng là cảng container chính ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục. Lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Quốc tế cần mua nhưng Việt Nam khó giao hàng
Ùn tắc tại cảng Cái Lái cũng khiến việc xuất khẩu gặp khó.

Tính cách lâu dài vì giãn cách có thể còn lâu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong sản xuất lúa gạo vụ Hè Thu, tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn liên quan”.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng như: Tài xế, ghe, xà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các Công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi là cảng, Hải Quan, Văn phòng cấp C/O, kiểm dịch…

Bên cạnh đó, tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước; hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh.Hiện, các chi phí test nhanh và PCR, chi phí ăn, ở cho các lao động “3 tại chỗ” đều do doanh nghiệp chịu toàn bộ…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá ở vụ Hè Thu hiện tại, về nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên thế giới hiện nay vẫn rất cần, nhu cầu lúa gạo có bị ảnh hưởng nhưng không quá nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề logistics từ Việt Nam đi các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng. Container thiếu, giá cả vận tải tăng lên. Nhiều doanh nghiệp không dám ký hợp đồng vì sợ chi phí tăng quá không đáp ứng được hợp đồng. Dù vậy, tín hiệu tốt trong tiêu thụ lúa gạo thời gian tới là thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công Thương phân tích, các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo hiện cũng đang bị ảnh hưởng rất lớn vấn đề nhân lực và vận tải, đẩy chi phí cao lên.

Riêng về vấn đề logistics nói chung, đặc biệt là ách tắc hàng hoá tại cảng Cát Lái (TPHCM), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, bước đầu tháo gỡ khó khăn tại cảng, nhưng không giải quyết trong “ngày một ngày hai”.

Đại diện Bộ Công Thương tỏ ra băn khoăn khi “có một số địa phương làm quá chặt”, thương lái không thể đi thu mua lúa, vận chuyển từ tỉnh này với tỉnh khác cũng khó khăn. Khi thương lái không thu mua được thì ảnh hưởng đến giá.

“Ví dụ, nếu TP.HCM hết giãn cách thì có thể các tỉnh khác vẫn giãn cách, chỉ là ở mức độ nhất định. Các địa phương phải có biện pháp lâu dài chứ không thể chỉ tính giãn cách 15-20 ngày hay 1 tháng”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh và không quên lưu ý “dịch nhưng vẫn phải chung sống với dịch, giãn cách có thể còn lâu mới bỏ”.

Theo Công Thương

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *