Phóng viên báo Giao thông: Từ đầu năm đến nay, ngoài giá cước tính theo số km di chuyển, khách hàng dùng các ứng dụng trên thị trường gọi xe công nghệ Grab phải trả thêm phí nền tảng 2.000 đồng cho mỗi chuyến đi xe 4 bánh. Với hàng trăm nghìn chuyến xe mỗi ngày thì đây là số tiền khổng lồ, cả tỷ đồng. Điều đáng nói là khách hàng không hề được biết về việc này và số tiền cứ thế chảy thẳng vào túi các hãng xe.
Báo Giao thông vừa có cuộc phỏng vấn nhanh Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Ông, theo Ông, việc thu này có vi phạm không?
Trả lời: Trước hết, chúng ta có thể thấy, việc thu này là vi phạm. Vi phạm ở chỗ, theo Luật Giá hiện hành, phải thông báo công khai giá (theo Điều 6 và khoản 6 Điều 12). Như vậy, khi thêm quy định khoản “nền tảng” vào giá thì cần thông báo công khai. Nếu không, sẽ bị coi là một loại lạm thu trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; hành vi như vậy được coi là một trong các hành vi bị cấm (Điều 10). Và theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi che dấu, cung cấp thông tin không đầy đủ là một trong các hành vi bị cấm (Điều 10).
Khi đưa ra thêm khoản thu phí nào thì Grab cần công khai rộng rãi cho tất cả khách hàng biết. Nếu khách hàng biết có thêm loại phí mà vẫn chọn dịch vụ của Grab, thì tức là họ đã chấp nhận trả tiền thêm cho chuyến đi của mình.
Đằng này, chỉ lái xe biết và Grab giao cho lái xe thu phí nền tảng của khách hàng, thì đây đúng là hành vi lặng lẽ lấy tiền của khách hàng.
Cũng cần thấy rằng, nếu cái lý do thêm phí nền tảng mà Grab nêu là “để nâng cấp ứng dụng, gia tăng trải nghiệm, nâng mức bảo vệ cho khách hàng hay tăng phúc lợi cho đối tác tài xế”, thì thật là mập mờ, thiếu thuyết phục!
Thậm chí, đây có thể được xem là hành vi gian dối khi số tiền Grab thu về đủ lớn, theo quy định của pháp luật Việt Nam – Ông Trung nói.
Phóng viên : Với hành vi trên, con số thu về của Grab lên đến hàng tỷ đồng mỗi ngày. Vậy việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào?
Trả lời: Trước hết, tôi muốn nói, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phải vào cuộc ngay thanh tra, xử lý, để tránh thất thu thuế cho Nhà nước.
Việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì, khoản 4 Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 23 Nghị định 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật này quy định: Vụ việc vi phạm liên quan đến từ hai tỉnh trở lên, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong 30 ngày.
Những khách hàng bị vi phạm quyền lợi, nếu có đầy đủ các chứng cứ, có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết (theo Điều 25 của Luật). Thậm chí, khách hàng hoàn toàn có thể tự khởi kiện vụ án dân sự (theo Điều 41 của Luật). Các Hội bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước đều có quyền đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng (Điều 28 của Luật).
Nhìn chung, hiện nay nhiều người tiêu dùng vẫn còn có tâm lý e ngại khiếu nại, khởi kiện, nhất là đối với các vụ có giá trị không lớn. Nhưng tôi cho rằng, khi lợi ích chính đáng bị xâm phạm, người tiêu dùng hãy mạnh dạn lên tiếng vì quyền lợi của chính mình và vì quyền lợi chung của đông đảo người tiêu dùng trên cả nước!
Phóng viên: Xin cám ơn Ông đã chia sẻ với người tiêu dùng!
Tin liên quan