(NTD) – TS: Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng thực hiện quyền lợi và lợi ích của mình, Báo Người Tiêu Dùng lần lượt đăng tải những thắc mắc của người tiêu dùng liên quan đến việc mua sắm, sử dụng dịch vụ, hàng hóa cùng với trách nhiệm trả lời cụ thể của cơ quan chức năng.
Ngoài 8 quyền cơ bản căn cứ theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (như Báo Người Tiêu Dùng đã đưa tin) thì người tiêu dùng cần phải làm gì khi giao dịch hàng hóa?
Trả lời:
Đi đôi với quyền, người tiêu dùng có 2 nghĩa vụ chính được quy định tại Điều 9, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về nghĩa vụ của người tiêu dùng là:
Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
ĐIỂM ĐEN THỊ TRƯỜNG
Tuần qua, từ ngày 11-18/4 Quản lý thị trường thành phố (QLTT – TP.HCM) đã kiểm tra 637 vụ chuyên ngành và liên ngành, xử lý 87 vụ, thu 1.408.596.000 đồng tiền phạt hành chính, tiền bán hàng tịch thu và tiền thu lợi bất hợp pháp. Đã tiêu hủy hàng hóa trị giá 375.738.000 đồng. Thuốc lá nhập lậu QLTT – TP.HCM đã phát hiện, kiểm tra 6 vụ vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ thuộc địa bàn huyện Hóc Môn, 1B, 12B đã tạm giữ 760 bao thuốc lá điếu nhập lậu. Hàng nhập lậu Kiểm tra 57 vụ, tạm giữ 17.987 kg bột đường, dược liệu, giấy nhám; 56.334 đơn vị sản phẩm quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, giày dép, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, linh kiện điện thoại di động, phụ liệu may mặc, thiết bị điện… Hàng giả Kiểm tra 13 vụ, tạm giữ 98 đôi giày dép hiệu Chanel, Nike, Versace; 8.894 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví, mỹ phẩm, mắt kính, phụ tùng xe máy, phụ liệu may mặc hiệu Adidas, Chanel, Honda, Yamaha, Hermes, Dior, Lacoste… Thực phẩm Kiểm tra 8 vụ, trong đó có 7 vụ vi phạm gồm: Hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ 800 kg bột đường; 18 lít rượu ngâm và 288 đơn vị sản phẩm (lon, bịch, chai) bia, rượu, hạt dẻ, trà. Hàng hóa có nhãn ghi không đầy đủ nội dung theo quy định, hàng hóa vi phạm 950 kg mì, nui, 4.100 đơn vị sản phẩm mít sấy, bắp rang bơ. (Nguồn: QLTT – TP.HCM) |