Giải pháp nào cho quảng cáo thực phẩm chức năng sai trái trên mạng xã hội?
Tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai trái hiện nay đang tràn lan trên mạng xã hội tác động tiêu cực đến sự lựa chọn sản phẩm, dẫn đến thiệt hại tài sản, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Để giải quyết vấn đề ngoài cần có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quản quản lý nhà nước, còn cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, cộng đồng xã hội và đặc biệt là cần nâng cao nhận thức của chính người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này là những vấn đề liên quan đến quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người tiêu dùng. Một minh chứng điển hình là vụ việc liên quan đến kẹo rau củ Kera, thu hút sự chú ý của dư luận và các cơ quan chức năng.
Thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội
Mạng xã hội đã trở thành kênh quảng cáo chủ yếu cho nhiều sản phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là "trá hình" thực phẩm chức năng. Nhiều quảng cáo không đúng sự thật, sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị y tế, bác sĩ để gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế cũng đã cảnh báo về tình trạng quảng cáo "nổ", sai sự thật về thực phẩm chức năng, gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Nhiều sản phẩm được quảng cáo với công dụng "thần thánh", chữa được nhiều loại bệnh mà không có căn cứ khoa học
Gây ra nhiều tác động tiêu cực
Hậu quả đối với sức khỏe người tiêu dùng: Nhiều quảng cáo TPCN sử dụng những lời lẽ như "chữa bách bệnh", "hiệu quả tức thì", hoặc "thần kỳ" trong giảm cân, làm đẹp da, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều quảng cáo không dựa trên cơ sở khoa học, không được kiểm chứng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về khả năng thực sự của TPCN. Hậu quả là người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm không hiệu quả hoặc gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Hậu quả về tài chính và niềm tin của người tiêu dùng: Việc tin vào quảng cáo sai sự thật dẫn đến việc người tiêu dùng mất tiền oan cho những sản phẩm không hiệu quả. Chưa kể, không ít sản phẩm được quảng cáo quá mức này có thể là hàng giả, hàng nhái, hoặc không rõ nguồn gốc, khiến người dùng càng thêm rủi ro.
Hệ lụy đối với uy tín của người nổi tiếng và doanh nghiệp: Nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo TPCN với những lời hứa hẹn không thực tế, dẫn đến việc mất niềm tin từ công chúng. Hệ lụy của việc này không chỉ dừng lại ở uy tín cá nhân của nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tài chính của người tiêu dùng. Những sản phẩm kém chất lượng có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng, trong khi niềm tin của công chúng vào quảng cáo ngày càng bị xói mòn
Sử dụng KOL để thao túng tâm lý khách hàng
Một trong những chiêu thức quảng cáo phổ biến hiện nay là việc mời các KOL (Key Opinion Leaders) hoặc người nổi tiếng tham gia quảng bá sản phẩm. Họ thường sử dụng những lời lẽ hoa mỹ, khẳng định công dụng vượt trội của sản phẩm, tạo niềm tin và thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp KOL không tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dẫn đến việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Điển hình là vụ việc liên quan đến kẹo rau củ Kera, khi nhiều KOL và người nổi tiếng tham gia quảng bá sản phẩm này với những lời giới thiệu không chính xác, gây tranh cãi và bức xúc trong cộng đồng mạng, hậu quả là số người này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Giải pháp nào cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng?
Để hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cần có những giải pháp đồng bộ từ cả cơ quan quản lý, truyền thông xã hội và người tiêu dùng.
Tăng cường quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch. Việc quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên mạng xã hội, là cần thiết để ngăn chặn những hành vi gian lận, quảng cáo sai sự thật.
Tăng cường giám sát và xử lý vi phạm: Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, cần tiến hành kiểm tra kịp thời, đồng bộ các sản phẩm, các nội dung đăng ký hoặc tự công bố (nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, công dụng,…). Trên cơ sở kết quả kiểm tra để xử lý nghiêm minh, công khai nhằm răn đe và tạo sự công bằng trên thị trường.
Cập nhật và hoàn thiện quy định pháp luật: Cần có những quy định chặt chẽ hơn về quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt có chế tài xử lý đối với người có ảnh hưởng (KOL và người nổi tiếng) tham gia quảng bá sản phẩm sai trái.
Hợp tác với các nền tảng mạng xã hội: Cần làm việc với các nền tảng mạng xã hội để yêu cầu gỡ bỏ những quảng cáo vi phạm, đồng thời yêu cầu họ chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên nền tảng của mình.
Người tiêu dùng phải đề cao trách nhiệm bảo vệ chính mình
Trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào, đặc biệt là thực phẩm chức năng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, đọc kỹ thành phần, công dụng và nguồn gốc xuất xứ.
Không tin vào quảng cáo quá mức: Cần tỉnh táo trước những quảng cáo có lời lẽ hoa mỹ, hứa hẹn công dụng "thần thánh". Hãy dựa trên các nguồn thông tin đáng tin cậy và ý kiến của chuyên gia.
Phản ánh khi gặp vấn đề: Nếu gặp phải sản phẩm kém chất lượng hoặc quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng nên phản ánh đến các cơ quan chức năng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh, thành phố (Trên Web…………có địa chỉ:……..; Hotlie………. để được hỗ trợ).
Các cơ quan truyền thông tham gia một cách tích cực và trách nhiệm xã hội cao
Một vấn đề không thể bỏ qua trong các vụ việc này chính là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông và quản lý trong việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm quảng cáo trên thị trường. Trong khi các cơ quan chức năng cần phải đảm bảo rằng các sản phẩm trên thị trường đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, thì thực tế lại cho thấy có rất nhiều sản phẩm, như kẹo rau củ Kera, đã được quảng bá một cách sai sự thật mà không bị kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Các cơ quan truyền thông và các nền tảng xã hội, các nhân vật nổi tiếng trước khi tham gia cần có trách nhiệm giám sát các chiến dịch quảng cáo, đặc biệt các thông tin sản phẩm trước khi được quảng bá rộng rãi. Nếu phát hiện có dấu hiệu một sản phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc có quảng cáo sai sự thật cần kịp thời thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tạo dư luận xã hội phản đối mạnh mẽ đối với người làm quảng cáo, người thực hiện quảng cáo có các hành vi lừa dối, thổi phồng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi thực hiện quảng cáo sản phẩm nhất là đối với thực phẩm chức năng.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người tiêu dùng về cách nhận biết và phòng tránh các quảng cáo lừa đảo.
Tư vấn để được hỗ trợ trực tiếp, liên hệ với chúng tôi:
HỘI BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM (VICOPRO)
Holine: 19002677 - Điện thoại: 02466885666
Website: nguoitieudung.org.vn;
Email: hotro@nguoitieudung.org.vn hoặc tuvankhieunai@nguoitieudung.org.vn