Tổng đài tư vấn khiếu nại: 19002677
-

Doanh nghiệp kỳ vọng vào Nghị quyết 105/NQ-CP

Đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn, các giải pháp đề ra trong Nghị quyết cần được triển khai nhanh hơn nữa, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn.

“Kết quả” sau cuộc hội nghị doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), ngày 8/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nhân, DN, hiệp hội DN, trên cơ sở kết luận tại hội nghị này, Nghị quyết 105/NQ-CP đã được ban hành vào ngày 9/9/2021, tức là sau tròn một tháng hội nghị diễn ra.

Nghị quyết đã đưa ra 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 4 nhóm chính, bao gồm: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục tình trạng chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Trong số 59 nhiệm vụ, giải pháp đưa ra trong nghị quyết, có đến 21/59 giải pháp liên quan đến sửa đổi, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; 38/59 giải pháp liên quan đến hướng dẫn, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có đến 18/59 nhiệm vụ yêu cầu cần được hoàn thành ngay trong tháng 9, tức là chỉ sau chưa 1 tháng ban hành Nghị quyết.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào Nghị quyết 105/NQ-CP
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra tại Nghị quyết 105/NQ-CP cần được triển khai nhanh hơn, kịp thời hơn

Nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 105, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao và đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, liên quan đến nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đề xuất các tiêu chí, lộ trình cụ thể, các biện pháp về y tế, hành chính về phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội đảm bảo an toàn.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó Covid-19; Cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch tại địa chỉ https://covid19.mic.gov.vn; ban hành Quyết định số 1405/QĐ-BTTTT ngày 11/9/2021 về việc hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân tại các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19.

Với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục chuỗi cung ứng, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức giao ban hàng tuần với 63 Sở Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt. Tính đến nay, giấy nhận diện phương tiện được tự cấp trên phần mềm khoảng 592.691 xe.

Với giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, cụ thể về giảm tiền điện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện là các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại thời điểm từ ngày 25/8/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực: DN chế biến và bảo quản rau quả; DN sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.

Cần triển khai nhanh hơn

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết: Cộng đồng DN đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Nguyện vọng chung các DN đều mong, các giải pháp đề ra trong Nghị quyết nhanh chóng được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn này.

Phát biểu tại một sự kiện diễn ra mới đây, ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam – đánh giá: Nghị quyết 105/NQ-CP vừa mới được phê duyệt là một tin vui đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi theo đúng như chiến lược của Nghị quyết, Việt Nam sẽ đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông sản xuất, duy trì mạng lưới cung ứng ổn định. Làm được điều đó, không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì được sản xuất mà thu hút đầu tư cũng được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Mặc dù đánh gia cao chính sách đưa ra tại Nghị quyết 105/NQ-CP, nhưng nhiều ý kiến vẫn đánh giá, để hỗ trợ DN phục hồi, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành, cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại phí, thuế, tiền điện nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới DN được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc, rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng, miễn giảm, vay mưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh… dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tiếp tục giảm lãi suất cho vay… Bởi việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các DN đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và DN.

Theo Báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): 91,5% DN được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP; 81% DN cho biết chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết đưa ra là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã hiệu quả.

Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-ky-vong-vao-nghi-quyet-105nq-cp-165110.html

Danh sách bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)

19002677