Xây dựng Luật Thương mại điện tử mới: Khung pháp lý cho thị trường số

Dự thảo Luật Thương mại điện tử tập trung vào 6 nhóm chính sách lớn, nhằm kiểm soát các mô hình mới, chống thất thu thuế, bảo vệ người tiêu dùng.
Ngày 30/6/2025, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Thương mại điện tử do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì, với sự tham gia của các thành viên Tổ soạn thảo, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc xây dựng Luật Thương mại điện tử. Hiện nay, thương mại điện tử không chỉ là xu hướng mà còn là công cụ kinh doanh thiết yếu, giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh tối ưu hóa hoạt động, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam duy trì ở mức trên 20%/năm trong suốt thập kỷ qua. Sự phát triển nhanh chóng này đã kéo theo nhiều mô hình thương mại điện tử mới lạ và phức tạp như mạng xã hội tích hợp thương mại điện tử (siêu ứng dụng), livestream hay affiliate marketing. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về một khung pháp lý toàn diện, không chỉ để điều chỉnh các vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn, mà còn để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp và bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng trong kỷ nguyên số.
Tại Hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã trình bày tóm tắt về Dự thảo Luật Thương mại điện tử, trong đó, tập trung vào 6 nhóm chính sách gồm:
(1) Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử.
(2) Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam, hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, người bán nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
(3) Quy định loại hình và trách nhiệm của các chủ thể tham gia nền tảng số đa dịch vụ, mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử.
(4) Quy định về dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
(5) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử.
(6) Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xanh và bền vững.
Các nhóm chính sách trong Dự thảo Luật Thương mại điện tử được thiết kế nhằm triển khai hiệu quả 04 Nghị quyết trọng yếu của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới"; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân) và giải quyết một số vấn đề tồn đọng hiện nay như: kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong việc định danh người bán, truy vết và xử lý vi phạm; tránh thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới; nâng cao công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử và xây dựng các chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện của Cục Thuế, Bộ Tài chính nhận định, dự thảo Luật Thương mại điện tử đã thể hiện được mục tiêu chính sách về việc nâng cao quản lý, tránh thất thu thuế trong thương mại điện tử. Đại diện Cục Thuế cũng góp ý thêm, cần quy định rõ người bán phải cung cấp tài khoản thanh toán hoặc số điện thoại chính chủ nhằm nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý ngành.
Đại diện doanh nghiệp và Hiệp hội Thương mại điện tử đã nêu ý kiến cần tập trung vào một số nội dung như đảm bảo đối xử công bằng giữa chủ quản nền tảng trong nước và không có hiện diện tại Việt Nam, làm rõ về trách nhiệm cung cấp dữ liệu để tránh trùng lặp, đảm bảo hiệu quả sử dụng mong muốn; chú trọng hơn nữa đối với việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số.
Kết thúc Hội nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo căn cứ trên ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội và tổ chức quan tâm. Dự kiến, Luật Thương mại điện tử sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm 2025.
Ngọc Châm/Tạp chí Công Thương
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận