Tổng đài tư vấn khiếu nại: 19002677
-

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tọa đàm nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi 01/10.

Chiều ngày 01/10/2024, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tọa đàm nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi 01/10.

Người cao tuổi thuộc một trong 07 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cần được bảo vệ trước các hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa tại các hội thảo và trên không gian mạng. Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); trong đó nêu rõ cơ chế bảo vệ quyền lợi của nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Thời gian qua, người cao tuổi Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã gặp phải các tình trạng có dấu hiệu bị xâm phạm quyền lợi tiêu dùng khi mua hàng tại các hội thảo tư vấn sức khỏe, hội thảo đội lốt đưa hàng Việt về nông thôn, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình tặng quà tri ân,...Nhiều người cao tuổi khi tham gia các hội thảo tư vấn sức khỏe, tin tưởng lời quảng cáo sản phẩm có thể chữa bệnh đã bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua các loại thực phẩm bổ sung như sữa, viên hoàn, sâm,... Trong đó, không ít sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Nhiều người mua các sản phẩm như xoong, nồi điện, chảo… với giá cao hơn nhiều lần so với giá thị trường. Ngoài ra, còn tình trạng mua phải hàng cận date, hết date, dán đè date,…

Hội BVQLNTD tỉnh Hà Giang tuyên truyền Luật Bảo vệ NTD tới người cao tuổi

Bên cạnh tình trạng mua hàng giá cao tại các hội thảo, người cao tuổi còn dễ bị “mắc bẫy” khi mua hàng trên mạng, nhất là các trang TikTok, facebook, youtobe,... Hiện nay, công nghệ internet phát triển, người cao tuổi dễ dàng tiếp xúc với mạng xã hội. Trên nền tảng mạng xã hội hiện hữu nhiều nội dung quảng cáo sản phẩm có tác dụng chữa khỏi bệnh, chữa khỏi hoàn toàn, đặc trị bệnh,... Điểm “đòn” quyết định đánh vào tâm lý, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi là những trang mạng này sử dụng hình ảnh bác sĩ, y sĩ, ông lang, bà mế, diễn viên, người nổi tiếng để quảng cáo. Không khó để thấy là nhiều bác sĩ, diễn viên, người nổi tiếng xuất hiện quảng cáo cho nhiều nhãn hàng, trị nhiều loại bệnh khác nhau,... Qua những nội dung quảng cáo này, không ít người cao tuổi đã bỏ ra số tiền không nhỏ, dành dụm lâu ngày để mua sản phẩm những mong có thể cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, kết quả nhận được là “tiền mất tật mang”.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với riêng nhóm đối tượng này. Khi giao dịch với nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương; tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm: Áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật; không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán; Chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch; Xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức, hoặc các biện pháp phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Xây dựng, cập nhật, công khai cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương các nội dung quy định tại khoản này theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) và đào tạo, tập huấn cho người lao động của mình về các nội dung đó.

Để có cơ sở nhận diện chính xác người tiêu dùng dễ bị tổn thương, qua đó bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng này, Luật cũng quy định khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu cần bảo vệ thì cần kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Qua đợt tuyên truyền này Hội người cao tuổi nhận thấy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã chỉ rõ những đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa, trong đó, người cao tuổi được quan tâm hàng đầu. Trên cơ sở đó, người cao tuổi và gia đình cần tích cực tiếp cận thông tin pháp luật, tìm hiểu kỹ thông tin đơn vị sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, kịp thời phản ánh những hiện tượng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng đội giá,... tới các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như quyền lợi của cộng đồng.

Vũ Hồng Phong - Hội BVQLNTD tỉnh Hà Giang

Danh sách bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)

19002677