Ngày 04/9/2024 Hội ĐL và BVNTD Hải Phòng trả lời phỏng vấn trực tiếp chương trình truyền hình Hải Phòng
Ngày 04/9/2024 Hội Đo lường và Bảo vệ người tiêu dùng Hải Phòng trả lời phỏng vấn trực tiếp chương trình truyền hình Hải Phòng trong chương trình “Hải phòng chuyển động và kết nối” về công tác “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Bình Minh - Chủ tịch Hội Đo lường và Bảo vệ người tiêu dùng Hải Phòng cho biết: Hội thường xuyên làm công tác tuyên truyền trên truyền hình Hải Phòng, nhất là các dịp cuối năm, ngày người tiêu dùng Việt Nam 15/3, tháng khuyến mại… Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự chuyển biến thực chất, vai trò then chốt nằm ở nhận thức của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và chính người tiêu dùng.
PV.THHP phỏng vấn ông Nguyễn Bình Minh - Chủ tịch Hội Đo lường và BVNTD Hải Phòng
Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức; và cũng là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Những vấn đề xã hội đối với quyền lợi của họ nảy sinh khi: (1) hàng hóa có khuyết tật, không bảo đảm an toàn, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm được cung cấp cho người tiêu dùng; (2) quấy rối người tiêu dùng bằng các hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với họ qua mạng internet để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc nhằm đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của họ; gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của họ.
ông Nguyễn Bình Minh - Chủ tịch Hội Đo lường và BVNTD Hải Phòng giới thiệu về Luật Bảo vệ QLNTD năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024
Qua đó ông Minh giới thiệu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có 07 chương, 80 Điều. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật mới bổ sung thêm 01 Chương; số lượng các điều tăng từ 51 lên 80 điều.
Ông Minh cho biết thêm: những năm qua, thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng phục vụ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại.
Năm 2023, và 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Dự báo, trong những năm tới, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…
Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi có hiệu quả trong thực tế, cần có những giải pháp đồng bộ: (1) về nguyên tắc và định hướng chính sách. (2) tăng cường bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng. (3) thực hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (4) thực hiện trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hội Đo lường và Bảo vệ người tiêu dùng Hải Phòng
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận