ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM LẦN II NHIỆM KỲ 2023 - 2028: "ĐOÀN KẾT - ĐỔI MỚI - PHÁT TRIỂN"
Ngày 19 tháng 01 năm 2024, Ban Chấp hành TW Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức sự kiện “Đại hội Đại biểu Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lần II nhiệm kỳ 2023-2028”.
Đại hội Đại biểu Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lần II nhiệm kỳ 2023-2028 được tổ chức ngày 19 tháng 01 năm 2024 tại Hà Nội. Đại hội nhằm báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2018-2023 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028 và kế hoạch hành động nhiệm kỳ 2023-2028, thực hiện phương châm: “ĐOÀN KẾT - ĐỔI MỚI - PHÁT TRIỂN”. Đại hội cũng thực hiện báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành; báo cáo công tác kiểm tra; thông qua dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội nhiệm kỳ 2023-2028; bầu cử Ban Thường vụ, chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2023-2028; ban hành Nghị quyết Đại hội lần II nhiệm kỳ 2023-2028.
Trong sự kiện Đại hội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ra mắt Trang thông tin điện tử Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam https://nguoitieudung.org.vn/ và cổng đăng ký trực tuyến tiếp nhận hồ sơ tư vấn và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Từ Đại hội thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lần thứ I nhiệm kỳ 2018- 2023 tổ chức ngày 29 tháng 11 năm 2018 tại Hà Nội, đến nay văn phòng Trung ương Hội đã tập hợp được sức mạnh tập thể, đoàn kết, kết nối với 53 Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, thành phố trực thuộc TW, thành lập 03 tổ chức trực thuộc, kết nạp 10 tổ chức thành viên và 2.238 hội viên mới. Tổng số hội viên là 141.022 người cùng tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bằng những hành động thiết thực, Trung ương Hội và các Hội tỉnh thành viên đã có những đóng góp tích cực trong đóng góp ý kiến tham gia xây dựng pháp luật, công tác khảo sát, nghiên cứu, tuyên truyền, tư vấn, phổ biến kiến thức pháp luật tiêu dùng, phản biện, giám định xã hội và hợp tác quốc tế về các chủ đề liên quan bảo vệ người tiêu dùng. Một số các hoạt động điển hình:
- Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật - Góp ý một số điều của Luật Bảo vệ QLNTD và Nghị định hướng dẫn thi hành
- Khảo sát, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giám định xã hội thông qua các chương trình Khảo sát và công bố kết quả “Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy” và trao Giấy chứng nhận cho các hàng hóa, dịch vụ; Hội Thảo“Người tiêu dùng hướng tới Tiêu dùng Xanh”
- Hợp tác quốc tế liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng bằng các hoạt động phối hợp, đón tiếp, tham dự, tích cực tham gia các hoạt động trao đổi cùng các tổ chức Hợp tác quốc tế, các Mạng lưới người tiêu dùng trong khối các nước ASEAN nói riêng, Châu Á và các nước Châu Âu nói chung.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang nỗ lực đổi mới, đào tạo lực lượng trẻ kế cận có tư duy, trình độ Khoa học - Công nghệ, có tâm huyết và nhuệ khí nghiên cứu, ứng dụng Khoa học kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các quyết định của Thủ tướng chính phủ:
- Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030;
- Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12/7/2021 phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025;
- Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quyết định nêu rõ Hội Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tư vấn, giám sát, khảo sát, phân tích, đóng góp ý kiến về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình tuyên truyền, chia sẻ thông tin tiêu dùng, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, và các Bộ, ngành khác liên quan, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện phương châm Đại hội: “ĐOÀN KẾT - ĐỔI MỚI - PHÁT TRIỂN”, phát huy thế mạnh tập thể, trong đó các tổ chức Hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là lực lượng nòng cốt, nâng cao năng lực, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, nỗ lực vươn lên là đầu mối quan trọng, uy tín kết nối với các cơ quan chức năng, tổ chức trong nước và quốc tế nhằm giúp người tiêu dùng Việt Nam nhận thức được các quyền lợi người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) số 19/2023/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2023 trong nền kinh tế hội nhập phát triển toàn cầu.
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận