Tổng đài tư vấn khiếu nại: 19002677
-

Hội nghị phổ biến kiến thức thực phẩm An toàn cho người tiêu dùng và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam

Hội nghị phổ biến kiến thức thực phẩm An toàn cho người tiêu dùng và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.

Sáng ngày 09/5/2025 tại Trụ sở Đảng ủy - UBND Phường Phú Diễn, Số 222 đường Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) và UBMTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm đồng tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức thực phẩm An toàn cho người tiêu dùng và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Đây là chuỗi hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao kiến thức chung cho người tiêu dùng.

Hội nghị “Phổ biến kiến thức thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam”

Hội nghị diễn ra có sự góp mặt của bà Văn Thúy Hoa - Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Quận Bắc Từ Liêm, ông Đặng Quang Đông - chuyên viên chính Ban BVQLNTD (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia), ông Nguyễn Ngọc Lương - Chủ tịch UBND Phường Phú Diễn, bà Trần Thị Dung- Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Kiểm tra Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng đại diện cán bộ, hội viên của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Gần 100 đại biểu là các ông, bà Chủ tịch Mặt trận tổ quốc 13 phường và các ông, bà Trưởng ban công tác mặt trận các Tổ dân phố trên địa bàn các phường thuộc quận Bắc Từ Liêm đã tham dự.

Thực tế hiện nay, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (CLVSATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội. Không những nó ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của giống nòi, thậm chí tính mạng người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội. Đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tăng cường nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng cho xóa đói giảm nghèo và mở rộng quan hệ quốc tế. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục kiến thức khoa học kỹ thuật và pháp luật về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức và thực hành của cộng đồng, đặc biệt là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong vấn đề an toàn thực phẩm.

Hội nghị diễn ra với 05 bài trình bày tới từ 03 diễn giả, mở ra nhiều góc nhìn rộng hơn đối với vấn đề an toàn thực phẩm và tình trạng về kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay. Hội nghị nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản được minh chứng bằng thực tế điển hình trong cuộc sống tiêu dùng hàng hóa hiện tại ở Việt Nam. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng tiêu dùng thực phẩm cho đông đảo NTD, đồng thời xác định kế hoạch hành động để bảo đảm ATTP cho NTD.

Hình ảnh: Tiến sỹ Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hội BVNTD Việt Nam phổ biến tại Hội nghị

Tiến sỹ Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát biểu về các vấn đề: “Thực phẩm và các loại thực phẩm phổ biến”, “Bệnh từ thực phẩm” và “Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng”. Các chủ đề tập trung đề cập đến quá trình sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm không đảm bảo vệ sinh (thực phẩm bẩn), đồng thời liên quan đến việc các chất ô nhiễm hoặc vi sinh vật gây bệnh có mặt trong thực phẩm ở một lượng lớn đủ để gây hại cho sức khỏe của NTD. 

Vậy, làm thế nào để nhận diện thực phẩm hữu cơ trên thị trường? Thực phẩm hữu cơ trên thị trường phải được dán nhãn có tem truy xuất nguồn gốc, qua đó người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm, phương pháp canh tác chúng. Rau, quả hữu cơ ngày càng phổ biến trên thị trường và chiếm được lòng tin và sự lựa chọn của NTD. TS. Trần Thị Dung hướng dẫn NTD cần thực hiện 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm của WHO:

1. Chọn thực phẩm an toàn;

2. Nấu chín kỹ thức ăn

3. Ăn ngay sau khi đã nấu chín;

4. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín;

5. Đun chín kỹ lại thức ăn;

6. Tránh thức ăn sống tiếp xúc với thức ăn chín;

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn uống;

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn;

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác;

10. Sử dụng nước sạch để sơ chế thực phẩm và nấu thức ăn.

"Tại Việt Nam, dù được được Nhà nước quan tâm, ATTP vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với người tiêu dùng. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, kế cả ngộ độc tập thể vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng con người. Người tiêu dùng đang phải đối mặt với thách thức và gia tăng lo lắng về sức khỏe của mình cũng như những người thân trong gia đình trước mối nguy do thực phẩm không an toàn gây ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày" (Bà Dung nói).

Phải thừa nhận một thực tế là không ít NTD còn hạn chế về nhận thức và kỹ năng về ATTP. Chính vì vậy, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí ngộ độc thực phẩm tập thể, hàng trăm người mắc tại Công ty, Xí nghiệp, trường học đã từng xảy ra ở nhiều địa phương. Do đó, việc tổ chức Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, tư vấn cho người tiêu dùng về ATTP là điều cấp thiết cho trước mắt và lâu dài.

Nhiều biện pháp, phương pháp truyền thống, hiện đại đã được nghiên cứu, áp dụng trong ngăn ngừa, xác định và loại bỏ mối nguy. Sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm, hướng tới, điều đó đòi hỏi các mắt xích trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ cần được quy trình hóa, số hóa. Để thúc đẩy nhận thức của người dân về vai trò của an toàn thực phẩm tới sức khỏe người tiêu dùng, TS. Trần Thị Dung nêu rõ: “An toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe công chúng. Khi thực phẩm bị ô nhiễm hoặc không an toàn, nó có thể gây ra các bệnh tật và dẫn đến tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người. Đảm bảo an toàn thực phẩm giúp ngăn chặn việc lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh. An toàn thực phẩm cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và tin tưởng giữa người tiêu dùng và các nhà sản xuất thực phẩm. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và thịnh vượng của ngành công nghiệp thực phẩm. Giáo sư cũng đánh giá cao Nhóm nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật” đã tiên phong, nỗ lực tổ chức Hội thảo quốc gia này, đây là cơ hội để các nhà khoa học giao lưu học thuật, chia sẻ các thông tin nghiên cứu bổ ích và tạo mạng lưới liên kết hợp tác sau này trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm nói riêng.

Trong chuyên đề “Một số điều người tiêu dùng cần biết về Luật BVNTD”, TS. Đặng Quang Đông, UB Cạnh tranh Quốc gia đã tuyên truyền nhiều văn bản điều chỉnh hoạt động BVQLNTD. Trong đó, nhấn mạnh đến việc yêu cầu cơ quan QLNN xử lý vi phạm pháp luật có liên quan đến QLNTD.

Hình ảnh: Tiến sĩ Đặng Quang Đông - UBCT Quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Chuyên đề “Giới thiệu về Cổng thông tin điện tử nguoitieudung.org.vn”, ThS. Mai Văn Dũng - Trưởng ban Truyền thông Hội BVNTD Việt Nam (VICOPRO) đã tuyên truyền đến người tiêu dùng biết đến cổng thông tin điện tử của Hội đã được ra mắt vào ngày 19/01/2024.

Hình ảnh: Ths Mai Văn Dũng – Trưởng Ban Truyền thông Hội BVNTD Việt Nam giới thiệu Trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội tại Hội nghị.

Sự thành công của Hội nghị là hoạt động lớn khởi đầu suôn sẻ trong hành trình chuỗi hoạt động, tuyên truyền góp phần nâng cao kiến thức chung cho người tiêu dùng biết lựa chọn, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn và dinh dưỡng; biết thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

 

Ban Truyền thông

Danh sách bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)

19002677