Hội thảo tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho cộng đồng kinh doanh và người tiêu dùng tại miền Bắc.
Sáng ngày 26/11/2024 tại Khách sạn Super Hotel Candle, số 301 phố Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo tuyên truyền, phổ biến Luật BVQLNTD cho cộng đồng kinh doanh và người tiêu dùng tại miền Bắc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham gia chương trình Hội thảo: Ông Phan Thế Thắng - Phó Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng, UBCTQG - Bộ Công Thương; Bà Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Kiểm tra Hội Bảo vệ NTD Việt Nam; Ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội thương mại điện tử. Hơn 80 đại biểu đến từ cộng đồng kinh doanh, hiệp hội các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham dự Hội thảo.
Ông Phan Thế Thắng - Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng - UBCTQG khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Thế Thắng - Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh vai trò của bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, bởi lẽ bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. ông Phan Thế Thắng mong muốn, thông qua Hội nghị tập huấn sẽ cung cấp cho các đại biểu những thông tin cơ bản và hữu ích về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời đây cũng là cơ hội để các đại biểu cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bà Hoàng Bích Thuỷ - Ban Bảo vệ NTD, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia
Tham dự Hội thảo, các đại biểu được nghe bà Hoàng Bích Thuỷ, Ban Bảo vệ NTD, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia giới thiệu về hệ thống pháp luật, đối tượng và khái niệm mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh; cách thức phân biệt một số loại hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ NTD trong thời kỳ hội nhập; những công cụ hỗ trợ và giải pháp đồng bộ đối với cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi NTD hiệu quả. Qua đó, nhằm giúp cho đại biểu nâng cao kiến thức về những quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi của NTD, góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các tỉnh, thành phố ngày càng lành mạnh, hiệu quả.
Quang cảnh Hội thảo
Các nội dung liên quan đến Quyền - trách nhiệm của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Giải quyết tranh chấp tiêu dùng do diễn giả Phan Thế Thắng trình bày; trong đó các hành vi bị nghiêm cấm được nhấn mạnh gồm: (1) Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD; (2) Quấy rối người tiêu dùng; (3) Ép buộc người mua sản phẩm trái với ý muốn của NTD; (4) Ép buộc thanh toán cho sản phẩm đã cung cấp không có thỏa thuận trước; (5) Không đền bù, trả lại tiền/đổi ản phẩm cho NTD do nhầm lẫn, cố ý của doanh nghiệp; (6) Đánh tráo, gian lận sản phẩm khi giao hàng cung cấp dịch vụ; (7) Không thông báo trước, không công khai cho NTD việc tài trợ của người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức; (8) Ngăn cản NTD kiểm tra sản phẩm; (9) Yêu cầu NTD phải mua thêm sản phẩm như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng (GKHĐ) trái ý muốn NTD; (10) Quy định điều khoản không được phép (Đ.25) trong hợp đồng giao kết (HĐGK) với NTD hợp đồng theo mẫu (HĐTM), điều khoản giao dịch chung (ĐKGDC); (11) Thu thập, lưu trữ, sử dụng chỉnh sửa, hủy bỏ thông tin của NTD trái quy định. Trách nhiệm của Doanh nghiệp: Thu thập thông tin của NTD; Bảo vệ thông tin người tiêu dùng; Xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin của NTD; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của NTD; Kiểm tra, chỉnh sửa, hủy bỏ, chuyển giao thông tin của NTD. Doanh nghiệp phải sử dụng thông tin của NTD chính xác và đầy đủ, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được NTD đồng ý: Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh; nhận xét, đánh giá của NTD về sản phẩm, cá nhân kinh doanh (nếu có)
Ông Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên Ban chấp hành - Hiệp hội Thương mại Điện tử VN
Các đại biểu được nghe Ông Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên Ban chấp hành, Hiệp hội Thương mại Điện tử VN giới thiệu một số điểm mới về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, giải pháp thúc đẩy tuân thủ pháp luật. Trong đó, tập trung tuyên truyền về chuyên đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng với một số nội dung, như: Các hình thức lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng thường gặp hiện nay, dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh và hướng dẫn người dân một số cách làm cần thiết khi bị lừa đảo trực tuyến. Đồng thời, nghe phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Kiểm tra Hội VICOPRO
Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Kiểm tra Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam giới thiệu hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - Giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi Luật từ góc độ tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng.
Hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hiện nay: (1) Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn NTD khi có yêu cầu; (2) Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức cá nhân kinh doanh; (3) Tham gia góp ý xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (4) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; (5) Tham gia hỗ trợ thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu; (6) Độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm do mình thực hiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; phản ánh, đánh giá mức độ tin cậy của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (7) Đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật; (8) Tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi đáp ứng điều kiện; (9) Tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã và đang trở thành vấn đề thời sự của quốc gia và được toàn xã hội quan tâm. Bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức xã hội thực sự là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Tin, ảnh: Hoài An
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận