Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về thu hồi sản phẩm có khuyết tật, an toàn sản phẩm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan

Ngày 06.07.08/5/2025 tại Khách sạn Grand Mecure Hanoi, số 9 Cát Linh, Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Cơ quan An toàn sản phẩm và Tiêu chuẩn (OPSS) của Vương quốc Anh tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thu hồi sản phẩm có khuyết tật, an toàn sản phẩm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan” nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sản phẩm trên thị trường.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh phía Bắc; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh. Sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương nhằm tăng cường năng lực, thể chế và thúc đẩy an toàn hàng hóa tiêu dùng tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao năng lực trong quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 20/ 6/ 2023 bổ sung nhiều quy định, nội dung mới so với Luật năm 2010 trước đó. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội. Một trong những trụ cột chính của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là đảm bảo an toàn sản phẩm - yếu tố trực tiếp liên quan đến quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, cũng như uy tín của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh - PCT Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - BCT phát biểu khai mạc
Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo, định hướng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn sản phẩm, trong đó Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương và Sở Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cấp tỉnh, được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến giám sát, xử lý hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bao gồm giám sát hoạt động thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường. Công tác này còn được thực hiện bởi nhiều đơn vị có liên quan như cơ quan quản lý thị trường, thương mại điện tử, quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm hàng hóa và các Hội BVNTD trên phạm vi cả nước.
Việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng chính là chìa khóa để xây dựng niềm tin và phát triển bền vững. Thu hồi sản phẩm có khuyết tật là một trong những công cụ quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời nâng cao trách nhiệm và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia có hệ thống bảo vệ người tiêu dùng phát triển như Vương quốc Anh, sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý và thực thi hiệu quả hơn tại Việt Nam.
Bà Amanda Farrell (ảnh trên) và bà Bev Tolley (ảnh dưới) chuyên gia Vương Quốc Anh chia sẻ tại Hội nghị
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc:
• Xây dựng hệ thống pháp lý và các quy định về an toàn sản phẩm;
• Quy trình phát hiện, thu hồi và xử lý sản phẩm mất an toàn;
• Vận hành hệ thống cảnh báo nhanh và truyền thông hiệu quả đến người tiêu dùng;
• Phối hợp giữa các cơ quan như cơ quan quản lý liên quan và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong việc ứng phó với rủi ro sản phẩm.
Trong phần trình bày của mình, các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc đảm bảo an toàn sản phẩm và có cơ chế thu hồi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn một cách hiệu quả. Chi tiết về quy trình thu hồi sản phẩm, giám sát thị trường, cách thức phát hiện rủi ro an toàn, đánh giá mức độ ảnh hưởng của sản phẩm lỗi và phối hợp truyền thông đến người tiêu dùng, vai trò phối hợp giữa các bên liên quan cũng như hệ thống cảnh báo nhanh về sản phẩm nguy hiểm. Đồng thời họ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, xử lý sự cố sản phẩm và phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình thu hồi. Đặc biệt, mô hình cảnh báo nhanh và quản lý rủi ro đã được nhiều đại biểu quan tâm và đánh giá cao về tính khả thi nếu được áp dụng tại Việt Nam.
bà Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Ở chiều ngược lại, đại diện Việt Nam bà Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ một số câu chuyện thực tiễn trong việc phát hiện và xử lý sản phẩm lỗi, những khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc, cũng như sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bên liên quan và tiếp cận người tiêu dùng khi cần thu hồi sản phẩm. Bà Dung khẳng định đây là một chủ đề thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và hướng tới xây dựng một thị trường tiêu dùng an toàn, minh bạch.
Hội thảo khép lại với cam kết tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới một thị trường hàng hóa minh bạch, an toàn và bền vững hơn tại Việt Nam.
Hoài An
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận