Lễ phát động ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025.

Ngày 14/3/2025, tại TP. Hải Phòng, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hải Phòng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD) Việt Nam tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam năm 2025 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm”.
Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương giao Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội BVNTD Việt Nam, Sở Công Thưởng các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai.
Năm 2025, Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm” nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch tới người tiêu dùng, đồng thời, kêu gọi trách nhiệm tham gia của người tiêu dùng trong việc xây dựng môi trường tiêu dùng văn minh, lành mạnh, bền vững, góp phần đưa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam lên một tầm cao mới.
Tham dự buổi Lễ có đại diện lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Lãnh đạo Bộ Công Thương; lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng; Lãnh đạo Hội BVNTD Việt Nam; Lãnh đạo Hội Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và BVQLNTD TP Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương; địa phương; đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí và người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NTD là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30 năm 2019 của Ban Bí thư, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác BVQLNTD. Trong đó, đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật, bao gồm: Luật BVQLNTD, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng thường xuyên và liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức đa dạng dưới nhiều hình thức, hướng tới nhiều đối tượng, nhiều hoạt động thu hút hàng chục nghìn người tham dự, như các cuộc thi, triển lãm, giải chạy; nhiều video tuyên truyền trên nền tảng xã hội thu hút gần 100 triệu lượt xem, hơn 200.000 lượt chia sẻ, tạo nên hiệu ứng lan tỏa rộng rãi và tích cực trong cộng đồng. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, BVQLNTD là một hành trình dài, và không hề dễ dàng. Để công tác này đạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp cần nhận thức rằng, việc tôn trọng quyền lợi của NTD không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là yếu tố then chốt giúp xây dựng thương hiệu mạnh, uy tín và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm UBKH, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu tại buổi lễ phát động
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà các cơ quan, tổ chức đã đạt được trong công tác BVQLNTD, đặc biệt là kết quả triển khai Luật tại các bộ, ban, ngành, địa phương nói chung và tại Bộ Công Thương nói riêng trong thời gian qua. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác BVQLNTD trong thời gian tới, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh, công tác BVQLNTD cần bám sát và xuất phát từ thực tiễn tiêu dùng với 3 nội dung chủ đạo: Một là, phải luôn xác định rõ BVQLNTD là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội, trong đó đặc biệt cần coi trọng vai trò của các chủ thể chính, gồm cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và vai trò giám sát của các cơ quan dân cử; Hai là, cần phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác BVQLNTD. Mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu, cần nhận thức đầy đủ, toàn diện và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ BVQLNTD theo Luật định; Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, nhất là trên các nền tảng xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện vùng miền, cơ quan, tổ chức, đối tượng; chú trọng hiệu quả, thực chất. Nâng cao nhận thức và tăng cường sự phối hợp công tác, trao đổi chuyên môn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa các chủ thể tham gia BVQLNTD.
Ông Bùi Thanh Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Tại buổi lễ phát động, trao đổi với phóng viên báo chí và người tiêu dùng, Ông Bùi Thanh Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng có những nhận định, đánh giá: Trong điều kiện thương mại điện tử, kinh tế số phát triển mạnh mẽ; biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt như hiện nay thì việc Bộ Công thương chọn chủ đề cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm” có thể nói là rất phù hợp, sát với thực tiễn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về các nội dung liên quan đến giao dịch, nhằm tạo động lực, nêu cao vai trò trách nhiệm của các chủ thể tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, để xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh, tiêu dùng văn minh, trách nhiệm và bền vững.
Và với ý nghĩa đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã chủ động phối hợp với Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia/ Bộ Công Thương, các cơ quan có liên quan ở Trung ương để tổ chức Lễ phát động trên phạm vi, quy mô toàn quốc; mặt khác Hội cũng ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Tổ chức thành viên đơn vị trực thuộc; đặc biệt là Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các Sở ban, ngành tại địa phương làm tham mưu cho Uỷ Ban nhân dân các tỉnh, thành phố hưởng ứng, tổ chức tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng. Bằng nhiều hình thức khác nhau: như tổ chức Lễ phát động, các cuộc thi, treo băng rôn, phát tờ rơi, loa phát thanh, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao…để tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2025. Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, thành phố trên cả nước (54 Hội tỉnh, thành phố) đã tổ chức các hoạt động để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Đây có thể coi là các sự kiện “mở màn” trong chuỗi sự kiện để hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025. Đầu tháng năm 2025 tới đây, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ tổ chức công bố kết quả chương trình “ Khảo sát hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy ” được phát động từ tháng 4/2024 trên phạm vi cả nước, tại buổi lễ này Hội cũng sẽ tổ chức chương trình “ Doanh nghiệp cam kết vì người tiêu dùng ” và còn nhiều hoạt động khác nhằm đưa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng trở nên thiết thực, hiệu quả và bền vững.
Ông Bùi Thanh Thủy - PCT kiêm TTK Hội BVNTD Việt Nam cùng các chuyên gia tại tọa đàm.
Trước đó, tại buổi lễ tọa đàm “Thông tin minh bạch” trong giao dịch trên không gian mạng, từ góc nhìn các chuyên gia ông Bùi Thanh Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội BVNTD Việt Nam chia sẻ về biện pháp hỗ trợ và BVQLNTD trong trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến giao dịch trên nền tảng số, cũng như khuyến nghị để nâng cao nhận thức các bên. Theo ông, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định rất rõ và cụ thể 04 phương thức có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; bao gồm: (i) Thương lượng; (ii) Hòa giải; (iii) Trọng tài; (iv) Tòa án. Vì vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên tư vấn, hướng dẫn quy định của pháp luật về BVQLNTD cho cả hai bên, để họ hiểu rõ quyền của người tiêu dùng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hành vi xảy ra tranh chấp; trực tiếp hỗ trợ, thương lượng đối với các bên; thực hiện đúng vai trò hòa giải theo quy định của pháp luật của tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD; chuyển yêu cầu, phản ánh của người tiêu dùng tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời kiến nghị các cơ quan này xử lý hành vi vi pham (nếu có); Hướng dẫn kỹ năng tiêu dùng an toàn, tránh rủi ro và thường xuyên khuyến nghị, cảnh báo cho người tiêu dùng khi giao dịch trên không gian mạng đặc biệt vào dịp lễ tết hoặc thời điểm khuyến mại.
Để nâng cao nhận thức của các bên về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì Nhà nước, các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao hiểu biết pháp luật về BVQLNTD, đặc biệt về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; thường xuyên có sự đổi mới về phương pháp, hình thức tuyên truyền, tập trung vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội, cơ quan có liên quan để tham gia bảo vệ QLNTD. Đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng thì cần: hiểu để áp dụng tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; tăng cường trách nhiệm xã hội, kinh doanh có trách nhiệm dối với người tiêu dùng.
Đại biểu dự buổi lễ ấn nút phát động
Năm 2025, Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm” nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch tới người tiêu dùng, đồng thời, kêu gọi trách nhiệm tham gia của người tiêu dùng trong việc xây dựng môi trường tiêu dùng văn minh, lành mạnh, bền vững, góp phần đưa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam lên một tầm cao mới. Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NTD là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Đại biểu cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ký biên bản ghi nhớ về thúc đẩy BVNTD
Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW năm 2019 của Ban Bí thư, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh qua nhiều hình thức, thu hút hàng chục nghìn người tham gia và hàng trăm triệu lượt tương tác, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Toàn cảnh buổi lễ
Tiếp sau các hoạt động được tổ chức tập trung vào tháng 3, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động hưởng ứng khác để nâng cao và thúc đẩy hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Qua đó, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, phát triển./.
Hoài An
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận