Hội thảo sơ kết công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua Hệ thống Tổng đài.
Sáng ngày 28 tháng 11 năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo sơ kết công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua Hệ thống Tổng đài, Hội nghị được tổ chức tại Thành phố Hà Nội.
Tham dự Hội thảo: Bà Trần Thị Mai Hương - Phó Chủ tịch UBCTQG - Bộ Công Thương; ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Bà Lê Hồng Nhung - Phó Giám đốc TTTT Tư vấn và BVNTD, cùng gần 100 đại biểu đại diện Sở Công Thương, Cán bộ, Hội viên Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh miền Bắc.
Bà Trần Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch UBCTQG - Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ các hoạt động năm 2024 của Đề án triển khai Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2024-2026, Bà Lê Hồng Nhung - Phó Giám đốc TTTT Tư vấn và BVNTD báo cáo tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua hệ thống tổng đài giai đoạn 2021 đến giữa năm 2024.
Bà Lê Hồng Nhung - Phó Giám đốc TTTT Tư vấn và BVNTD
Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng được xây dựng nhằm góp phần nâng cao và đẩy mạnh hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng thông qua việc hướng đến sử dụng một đầu số điện thoại chung, một hệ thống cơ sở dữ liệu chung và một quy trình, nội dung tư vấn thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Các chủ thể tham gia vận hành Tổng đài bao gồm các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương, doanh nghiệp và các tổ chức, cơ quan có liên quan trên phạm vi cả nước. Đối với những cuộc gọi điện thoại với nhiều nội dung khác nhau, UBCTQG - Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng cần kiểm tra thông tin cẩn thận, tránh rơi vào việc bị lừa đảo. Trường hợp cần kiểm tra thông tin, người tiêu dùng có thể tham khảo ý kiến của bạn bè, lên mạng Internet để tra cứu thông tin hoặc liên hệ Tổng đài 1800.6838 của UBCTQG hoặc 1900.2677 của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam để được tư vấn thông tin chi tiết.
Bà Nhung chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến NTD: (1) Vụ việc về thương mại điện tử. Kết quả của vụ kiện thương mại điện tử có thể bao gồm yêu cầu bồi thường, lệnh ngừng hoạt động hoặc các biện pháp khác để bảo vệ NTD; (2) Vụ việc về vận chuyển hành khách (hàng không) các vụ kiện thường liên quan đến việc vi phạm quyền lợi của hành khách, như việc từ chối vận chuyển hành lý bị thất lạc hoặc đối xử không công bằng; (3) Vụ việc về sở hữu kỳ nghỉ. Các tranh chấp liên quan đến sở hữu kỳ nghỉ thường xoay quanh việc vi phạm hợp đồng, các vấn đề về quyền sở hữu và việc cung cấp dịch vụ không phù hợp. Tất cả các vụ việc đều có Quy trình xử lý.
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội VICOPRO
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội VICOPRO báo cáo công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2024. Thuận lợi và khó khăn.
Trong những năm qua, công tác thực thi pháp luật bảo vệ quyền NTD đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua đó hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước đưa pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NTD cũng như các doanh nghiệp chân chính góp phần cân bằng mối quan hệ giữa NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đồng thời nâng cao nhận thức và hành động của các doanh nghiệp, thể hiện tính chủ động và hiệu quả trong đó nổi bật là việc thực thi các trách nhiệm về bảo vệ thông tin của NTD, cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ, thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD được triển khai thực hiện tốt; cùng với đó công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được quan tâm, chú trọng, góp phần bình ổn thị trường và tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi NTD; thông qua các hoạt động triển khai chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi NTD, khuyến khích tổ chức, cá nhân ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ an toàn, bảo đảm chất lượng; triển khai thường xuyên, đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; huy động mọi nguồn lực nhằm tăng đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nhân lực cho cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức cho Người tiêu dùng; đẩy mạnh hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn chưa thấu đáo, nhiều hạn chế do nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của một số Hội tỉnh, thành phố còn hạn chế, một số cán bộ Hội chưa nhận thức sâu về nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cán bộ làm công tác này còn kiêm nhiệm, tổ chức hội còn hạn chế về nghiệp vụ và kỹ năng, điều kiện hoạt động còn thiếu, kinh phí hạn chế, có nhiều tỉnh, thành phố không có kinh phí để hoạt động; nhận thức của người tiêu dùng đối với tổ chức hội còn chưa đầy đủ… Do đó, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp cùng với Hội trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường sự phối hợp cùng với Hội trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ nhiều hơn các mặt công tác của Hội, tạo điều kiện cho các hội địa phương có cơ hội gặp gỡ, trao đổi nâng cao kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về các biện pháp triển khai công tác đạt hiệu quả cao.
Đại biểu dự Hội thảo
Ông Lê Hồng Hưng - Cty TNHH Carefor Việt Nam chia sẻ công tác BVQLNTD tại các doanh nghiệp là hoạt động tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất. Thông qua Hệ thống đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, tự kiểm tra, đánh giá hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng để kịp thời có các biện pháp cải thiện, nâng cao mức độ bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Thông qua Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được cập nhật các thông tin chi tiết, cụ thể về đối tượng, mục tiêu, cách thức và giá trị lợi ích khi tham gia các hoạt động nêu trên. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể xây dựng chiến lược tham gia phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian tới.
Tin bài: Hoài An - Ảnh: Năng Tuấn
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận