Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế.

Chiều ngày 25/3/2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Tạp chí Công Thương tổ chức buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm".
Toạ đàm có sự tham dự của Ông Iain Frew - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam; Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương; Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương
Bà Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ kết quả đạt được trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2024 cũng như trong thời gian qua: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, đây chính là một dấu mốc đã hoàn thiện dần từng bước khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bên cạnh luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thì đã có các văn bản hướng dẫn thi hành đi kèm và không chỉ dừng lại ở Nghị định hướng dẫn thi hành, UBCTQG còn tham mưu cho Bộ ban hành các văn bản chuyên sâu về từng vấn đề như: Có những chương trình về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yếu thế và cũng có những quy định đưa ra những danh mục sản phẩm hàng hóa phải đăng ký theo điều kiện hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung. Bên cạnh đó cũng có những quyết định mà Bộ Công Thương cũng như của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành chương trình hành động để thực thi luật này. UBCTQG mong muốn sau dấu mốc 01/7/2024 khi luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực, vì vậy thì từ nay trở đi UBCTQG có thêm nhiều công cụ để có thể bảo vệ tốt quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Dưới góc độ của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Vũ Văn Trung cho biết: Thực trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đặc biệt là trong các giao dịch thương mại điện tử hiện nay và nguyên nhân dẫn đến những vi phạm này. Nói đến sự ra đời của thương mại điện tử tạo cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và toàn xã hội một không gian rất rộng mở và hữu hiệu nhanh chóng cho sự tham gia của các cơ quan cũng như người tiêu dùng và cùng với sự gia nhập thì sự vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử cũng diễn ra nhanh chóng, đa dạng và tăng nhiều. Theo thông tin từ Cục thương mại điện tử - Bộ Công Thương thì số lượng vi phạm về quyền lợi tiêu dùng trong thương mại điện tử kể cả biên giới đòi hỏi các ngành, các cấp, các Hội cũng như người tiêu dùng cần phải cảnh giác cao độ.
Các cơ sở, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử hiện nay thiếu ý thức, họ sẵn sàng nguyện bước qua tất cả để mưu cầu lợi ích của mình bằng cách đưa hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên sàn thương mại điện tử nhằm thu lợi bất chính; Một vấn đề nữa cho thấy đây cũng do kiến thức và chưa hiểu biết của người tiêu dùng về thương mại điện từ, do vậy người tiêu dùng không theo kịp những tình hình diễn biến xảy ra và đó là một vô hình dung tạo điều kiện rất dễ cho những Doanh nghiệp, cá nhân làm ăn không chân chính và kết quả cuối cùng là người tiêu dùng hứng chịu những thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần, sức khỏe của mình.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một thị trường lành mạnh, công bằng và minh bạch. Đây là nền tảng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Ghi nhận vai trò quan trọng và sự cần thiết của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung, quan tâm chỉ đạo, ban hành các định hướng, chủ trương, chính sách quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi và nâng cao vị thế của người tiêu dùng trong xã hội. Đặc biệt, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, đã đặt ra những quy định quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc hoàn thiện chính sách càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thương mại điện tử nội địa và thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ, nhiều thách thức đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trên môi trường mạng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục thúc đẩy, tăng cường vấn đề này, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia đối tác.
Sau một thời gian triển khai, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đã ghi nhận những thành quả nhất định. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại điện tử đang trên đà phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều thách thức mới đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi cần có các giải pháp toàn diện và hiệu quả hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam trong quá trình hội nhập vào thị trường thương mại điện tử quốc tế.
Hoài An
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận