Gần 300.000 cuộc gọi khiếu nại của người tiêu dùng đã được giải quyết
Từ năm 2019 đến tháng 6/2023, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tư vấn, hướng dẫn, giải đáp, giải quyết qua điện thoại/đường dây nóng gần 300.000 vụ/cuộc
Hơn 2.800 vụ việc khiếu nại được giải quyết
Thông tin tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lần II nhiệm kỳ 2023-2028, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, Trung ương Hội và các Hội tỉnh thành viên đã có những đóng góp tích cực trong tham gia xây dựng pháp luật, công tác khảo sát, nghiên cứu, tuyên truyền, tư vấn, phổ biến kiến thức pháp luật tiêu dùng, phản biện, giám định xã hội và hợp tác quốc tế về các chủ đề liên quan bảo vệ người tiêu dùng.
“Công tác xây dựng pháp luật là hoạt động nổi bật của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua, theo đó Trung ương hội đã thực hiện 37 hoạt động. Trong đó đáng chú ý là đóng góp tích cực vào việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý quan trọng, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới”, ông Vũ Văn Trung cho hay.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát biểu tại Đại hội
Bên cạnh đó, công tác tư vấn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng cũng được quan tâm sát sao. Từ năm 2019 đến tháng 6/2023, Trung ương hội và các Hội tỉnh, thành phố đã giải quyết thành công hơn 2.800 vụ việc khiếu nại; đã tư vấn, hướng dẫn, giải đáp, giải quyết qua điện thoại/đường dây nóng gần 300.000 vụ/cuộc.
"Tiêu biểu có thể kể đến như: Hội tỉnh Cà Mau giải quyết vụ khiếu nại của người tiêu dùng tại ấp Trống Vàng, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, về chất lượng tivi SamSung mới sử dụng được một thời gian ngắn đã hỏng. Vụ khiếu nại kéo dài từ ngày 24/6/2021 đến 26/4/2022. Với tinh thần trách nhiệm cao và ý chí kiên trì, không ngại vất vả, cuối cùng, Hội đã giúp người tiêu dùng đạt được thỏa thuận của nhà sản xuất và người bán hàng phải chấp nhận thu hồi chiếc tivi bị hỏng do lỗi chế tạo và bồi thường 100% chi phí cho người tiêu dùng mua tivi mới thay thế; hay Hội tỉnh Tiền Giang năm 2021 đã tư vấn, giải quyết thành công loạt 17 vụ khiếu nại của người tiêu dùng về mua hàng qua mạng xã hội facebook, nhưng hàng nhận được không đúng như thỏa thuận. Hội đã tiến hành xác minh và lập biên bản gửi Bưu cục yêu cầu ngừng chuyển trả tiền cho người bán và đề nghị Bưu cục chuyển trả lại hàng cho người bán, đồng thời hoàn trả lại tiền cho người mua. Loạt vụ khiếu nại đã được giải quyết thành công, với trị giá tiền hàng là 23.280.000 đồng, đã được người tiêu dùng đánh giá cao", Phó Chủ tịch Vũ Văn Trung thông tin.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2023-2028, Hội sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức từ Trung ương tới địa phương, kiến nghị UBND và các cơ quan chức năng các tỉnh thành lập thêm các Hội ở các tỉnh; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng và bằng nhiều hình thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức tiêu dùng, đẩy mạnh công tác tập huấn, hội thảo tư vấn tiêu dùng; tư vấn giải quyết khiếu nại…
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lần II nhiệm kỳ 2023-2028
Người tiêu dùng cần được bảo vệ
Đánh giá cao những kết quả Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ qua, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là công tác toàn dân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chính là bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, liên tục trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều quan tâm, chỉ đạo sát sao, từ đó, đã huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia hiệu quả vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam được thành lập từ năm 2018 trên cơ sở kế thừa bề dày lịch sử và kinh nghiệm hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ngay trong Nhiệm kỳ hoạt động đầu tiên, Hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta”, bà Nguyễn Quỳnh Anh đánh giá.
Theo lạnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhiệm kỳ vừa qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả vào quá trình xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Nhờ sự tham gia tích cực vào công tác xây dựng chính sách pháp luật mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 mới được Quốc hội thông qua đã đưa vào 1 chương gồm 6 điều, điều chỉnh tất cả các hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các tổ chức xã hội khác tham gia vào công tác bảo vệ người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương phát biểu tại Đại hội
Hơn hết, nhiệm kỳ qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng tập hợp được sức mạnh tập thể, kết nối với 53 Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, thành phố trên cả nước; thành lập 3 tổ chức trực thuộc, kết nạp 10 tổ chức thành viên, nâng tổng số hội viên hơn 141.000 người cùng tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Hội đã thực hiện có hiệu quả, đa dạng và phong phú các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thể hiện rõ nét tiếng nói và vai trò của Hội trong công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng giải quyết các vấn đề khiếu nại phát sinh.
“Hơn bao giờ hết, người tiêu dùng đang cần tới Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và mong đợi Hội sẽ giải quyết các vấn đề xảy ra hàng ngày, trong hoạt động tiêu dùng”, bà Nguyễn Quỳnh Anh khẳng định.
Đồng thời, Hội đã tham gia chủ động, có hiệu quả vào hoạt động hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
“Với chức năng là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ghi nhận, chúc mừng và đánh giá cao những kết quả hoạt động trong Nhiệm kỳ vừa qua của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam”, bà Nguyễn Quỳnh Anh nói.
Tuy nhiên, qua theo dõi hoạt động của Hội, lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng chỉ rõ một số mặt còn hạn chế trong hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua, đó là: Tính chủ động và hiệu quả trong hoạt động của Hội chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phạm vi, nội dung, hình thức triển khai một số hoạt động chưa theo kịp yêu cầu mới; hiệu quả hoạt động của một số Hội địa phương chưa cao, chưa có sự thống nhất, chia sẻ trong hoạt động giữa các Hội địa phương…
Các đại biểu bầu Ban Chấp hành Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028
Ban Chấp hành Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt Đại hội
Đổi mới phương thức, cách thức hoạt động
Trong thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động quan trọng. Bà Nguyễn Quỳnh Anh đề nghị Đại hội, bảo đảm lựa chọn, bầu ra nhân sự tham gia Ban lãnh đạo, Ban chấp hành Hội có đủ năng lực, tâm huyết, đóng góp hiệu quả vào công tác của Hội trong thời kỳ mới.
Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới của Hội theo hướng xác định cụ thể các hoạt động trọng tâm cần tập trung thực hiện, đảm bảo phù hợp với bối cảnh của thời kỳ mới, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đã được yêu cầu tại Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 30/CT-TW của Ban Bí thư và các quy định, chương trình, chỉ đạo, hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cần đổi mới phương thức, cách thức hoạt động theo hướng nâng cao tính chủ động, bám sát thực tiễn, quyết liệt và sáng tạo trong triển khai hoạt động, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên.
“Mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Hội sẽ hoạt động hiệu quả hơn, để từng người dân khi có bất cứ vướng mắc gì trong hoạt động tiêu dùng, thì điểm đến đầu tiên sẽ là Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hoặc các cấp Hội tại địa phương và được giải quyết các khiếu nại, vướng mắc”, bà Nguyễn Quỳnh Anh bày tỏ.
Trong khuôn khổ Đại hội Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã ra mắt trang thông tin điện tử Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại địa chỉ: http//nguoitieudung.org.vn.
TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển chiến lược Bộ Công Thương, nguyên Phó Chủ tịch Hội được bầu làm Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028
Nguồn : https://congthuong.vn/gan-300000-cuoc-goi-khieu-nai-cua-nguoi-tieu-dung-da-duoc-giai-quyet-299033.html
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận