Tổng đài tư vấn khiếu nại: 19002677
-

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2025

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025 [1]. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, đóng góp 51,18%.

GDP sáu tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025 [2]. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 7,42% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,21%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,89% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2025 [3], đóng góp 2,64 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,20%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,30%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,25%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 9,62%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025 [4], đóng góp 0,63 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sáu tháng đầu năm 2025 tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025 [5]. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,82%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,53%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,46%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm. Cùng với đó, một số ngành dịch vụ công cũng có mức tăng khá cao để thực hiện nhiều nhiệm vụ đột phá, phục vụ cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của đất nước: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 14,58%; hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội; quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc tăng 13,09%.

Về cơ cấu nền kinh tế sáu tháng đầu năm 2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,96%; khu vực dịch vụ chiếm 43,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2024 là 11,49%; 37,0%; 42,98%; 8,53%).

Về sử dụng GDP sáu tháng đầu năm 2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024, đóng góp 84,20% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,01%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

– Lúa đông xuân: Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2025 đạt 2.970,2 nghìn ha, tăng 16,2 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2024; năng suất ước đạt 68,5 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha; sản lượng đạt 20,4 triệu tấn, tăng 17,3 nghìn tấn.

– Lúa hè thu: Tính đến ngày 20/6/2025, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.773,6 nghìn ha lúa hè thu, bằng 101,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.369,4 nghìn ha, bằng 102,0%.

– Cây hằng năm: Diện tích rau, đậu các loại tăng so với cùng kỳ năm trước do các địa phương chuyển đổi một số cây vụ đông sang trồng rau; tăng diện tích cây màu trên đất lúa, trồng xen vườn cây ăn trái nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; diện tích khoai lang, lạc và đậu tương tiếp tục giảm do hiệu quả kinh tế không cao.

– Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 3.823,2 nghìn ha, 48,3 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nhóm cây ăn quả đạt 1.317,1 nghìn ha, tăng 31,0 nghìn ha; nhóm cây công nghiệp lâu năm đạt 2.172,6 nghìn ha, tăng 9,2 nghìn ha.

– Chăn nuôi: Đàn lợn và gia cầm phát triển ổn định. Đàn trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2025 tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2024; tổng số gia cầm tăng 4,0%; tổng số bò giảm 0,6%; tổng số trâu giảm 3,4%.

b) Lâm nghiệp

Trong quý II/2025, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 109,0 nghìn ha, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 631,8 ha, giảm 30,8%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 153,5 nghìn ha, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 847,8 ha, giảm 27,2%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản quý II/2025 ước đạt 2.555,5 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, sản lượng thủy sản ước đạt 4.550,9 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.579,2 nghìn tấn, tăng 4,9%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.971,7 nghìn tấn, tăng 1,0%.

3. Sản xuất công nghiệp

– Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sáu tháng đầu năm 2025 ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1% (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,9%), đóng góp 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2024 tăng 12,8%), đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,3% (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,4%), đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,0% (cùng kỳ năm 2024 giảm 6,0%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm.

– Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 62 địa phương, riêng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 2,6%.

– Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2025 tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 tăng 10,8%).

 Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2025 tăng 6,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 12,0% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân sáu tháng đầu năm 2025 là 85,7% (bình quân cùng kỳ năm 2024 là 76,9%).

– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2025 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,7% so với cùng thời điểm năm trước.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp [6]

 – Trong tháng Sáu, cả nước có hơn 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 61,4% so với tháng trước và tăng 60,5% so với cùng kỳ năm trước; 14,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 79,5% và tăng 91,1%; 6.433 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,6% và tăng 18,7%; gần 10,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 54,0% và giảm 86,2%; 2.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 44,6% và tăng 59,6%.

– Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có 25,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 127,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2025 cho thấy: Có 35,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2025; dự kiến quý III/2025, có 37,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2025.

5. Hoạt động dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng Sáu ước đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; quý II/2025 ước đạt 1.713,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với quý trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,0%).

Vận tải hành khách tháng 6/2025 ước đạt 520,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,4% so với tháng trước và luân chuyển 26,4 tỷ lượt khách.km, tăng 5,5%; quý II/2025 ước đạt 1.462,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 76,0 tỷ lượt khách.km, tăng 15,1%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, vận tải hành khách ước đạt 2.857,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 151,9 tỷ lượt khách.km, tăng 13,5%.

Vận tải hàng hóa tháng 6/2025 ước đạt 247,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,2% so với tháng trước và luân chuyển 51,8 tỷ tấn.km, tăng 2,4%; quý II/2025 ước đạt 730,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 150,6 tỷ tấn.km, tăng 16,2%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, vận tải hàng hóa ước đạt 1.438,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 291,3 tỷ tấn.km, tăng 13,4%.

­­­­Doanh thu hoạt động viễn thông quý II/2025 ước đạt 94,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, d­­oanh thu hoạt động viễn thông 189,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,0%).

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2025 đạt 1,46 triệu lượt người, giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh  trong quý II/2025 là 1.379,5 nghìn lượt người, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 4.062,8 nghìn lượt người, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước.

6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán

– Tính đến thời điểm 26/6/2025, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,09% so với cuối năm 2024 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,11% (cùng thời điểm năm trước tăng 1,82%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,30% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,85%).

– Thị trường bảo hiểm tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2025 ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 114,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,0%.

– Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 21.297 tỷ đồng/phiên, tăng 1,4% so với bình quân năm 2024; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 14.050 tỷ đồng/phiên, tăng 19,0%; trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân đạt 191.321 hợp đồng/phiên, giảm 9,3%; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 48,4 triệu chứng quyền/phiên, giảm 2,4% và giá trị giao dịch bình quân đạt 42,4 tỷ đồng/phiên, tăng 1,0%.

7. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2025 theo giá hiện hành ước đạt 921,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sáu tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2025 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam sáu tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong sáu tháng đầu năm 2025 có 86 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 357,7 triệu USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 129,4 triệu USD, gấp 7 lần. Tính chung sáu tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 487,1 triệu USD, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

8. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 6/2025 ước đạt 176,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2025 đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 6/2025 ước đạt 282,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế sáu tháng đầu năm 2025 đạt 1.102,1 nghìn tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán năm và tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ [7]

a) Xuất nhập khẩu hàng hóa  [8]

– Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2025 đạt 39,49 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước và tăng 13,6% so với quý I năm 2025. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,28 tỷ USD, tăng 9,4%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 161,55 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 73,5%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2025, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 194,28 tỷ USD, chiếm 88,4%.

– Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2025 đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6,1% so với tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2025, kim ngạch nhập khẩu đạt 112,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 12,9% so với quý I năm 2025. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 72,82 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,38 tỷ USD, tăng 22,3%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2025, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 198,92 tỷ USD, chiếm 93,7%.

– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,7 tỷ USD.

– Cán cân thương mại hàng hóa tháng Sáu xuất siêu 2,83 tỷ USD. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 12,15 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,54 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,17 tỷ USD.

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong quý II/2025, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 6,3% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 10,28 tỷ USD, tăng 19,6% và tăng 11,6%.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 14,79 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 7,62 tỷ USD (chiếm 51,5% tổng kim ngạch), tăng 24,7%; dịch vụ vận tải đạt 4,35 tỷ USD (chiếm 29,4%), tăng 31,0%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2025 ước đạt 19,5 tỷ USD (trong đó phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 6,72 tỷ USD), tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 8,0 tỷ USD (chiếm 40,8% tổng kim ngạch), tăng 18,5%; dịch vụ du lịch đạt 7,3 tỷ USD (chiếm 37,4%), tăng 31,5%.

Cán cân thương mại dịch vụ sáu tháng đầu năm 2025 nhập siêu 4,71 tỷ USD.

10. Chỉ số giá

a) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng; tăng 2,02% so với tháng 12/2024; tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với quý II/2024. Bình quân sáu tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.

– Chỉ số giá vàng tháng 6/2025 giảm 1,27% so với tháng 5/2025; tăng 48,01% so với cùng kỳ năm trước; tăng 33,54% so với tháng 12/2024; bình quân quý II/2025 tăng 43,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân sáu tháng đầu năm 2025 tăng 37,4%.

– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2025 tăng 0,32% so với tháng trước; tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,92% so với tháng 12/2024; bình quân quý II/2025 tăng 2,98%; bình quân sáu tháng đầu năm 2025 tăng 3,3%.

b) Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý II và sáu tháng đầu năm 2025 tăng so với cùng kỳ năm trước; riêng chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm theo thị trường thế giới. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sáu tháng đầu năm 2025 tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 1,95%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 4,93%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 3,84%; chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 3,68%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 1,57%.

11. Một số tình hình xã hội

a) Lao động và việc làm

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2025 ước tính là 53,1 triệu người, tăng 169,8 nghìn người so với quý trước và tăng 553,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 53,0 triệu người, tăng 542,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ sáu tháng đầu năm 2025 là 29,0%, tăng 1,0 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao.

Lao động có việc làm quý II/2025 ước tính là 52,0 triệu người, tăng 138,6 nghìn người so với quý trước và tăng 544,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng 538,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2025 là 1,73%, tăng 0,01 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,72%, giảm 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,23%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,05%.

Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2025 là 8,2 triệu đồng/tháng, giảm 58 nghìn đồng so với quý I/2025 và tăng 800 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, thu nhập bình quân của người lao động là 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 760 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2025 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 2,49%; khu vực nông thôn là 2,08%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sáu tháng đầu năm 2025 là 2,22%, giảm 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,44%; khu vực nông thôn là 2,08%.

b) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Theo báo cáo điều tra lao động và việc làm hằng tháng, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng Sáu không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 96,6%. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ địa phương, trong sáu tháng đầu năm nay (tính đến ngày 25/6/2025), lãnh đạo Trung ương và địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhiều đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội là 3,2 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là hơn 20,6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là 507,7 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

Trong sáu tháng đầu năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân hơn 10,3 nghìn tấn gạo. Theo báo cáo ngày 19/6/2025 của Bộ Dân tộc và Tôn giáo kết quả triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” đã hỗ trợ được 262.843 căn nhà.

c) Hoạt động văn hóa, thể thao

Trong quý II năm 2025 đã diễn ra chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Về thể thao thành tích cao, đội tuyển Canoe Việt Nam xếp thứ 3 toàn đoàn tại Giải vô địch Canoe châu Á năm 2025; Việt Nam dẫn đầu tại giải Muay vô địch châu Á 2025; giải vô địch Vovinam trẻ quốc gia năm 2025 diễn ra tại Bình Thuận; giải vô địch trẻ Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 26 diễn ra tại Thanh Hóa; giải vô địch Bắn cung trẻ quốc gia diễn ra tại Thành phố Vũng Tàu; giải Bóng đá 7 người vô địch quốc gia 2025 khu vực Tây Nguyên…

d) Tai nạn giao thông

Trong sáu tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông, làm 5.024 người chết và 6.087 người bị thương. Bình quân 1 ngày trong sáu tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, làm 27 người chết và 33 người bị thương.

đ) Thiệt hại do thiên tai

Trong sáu tháng đầu năm nay, thiên tai làm 74 người chết và mất tích, 51 người bị thương; 57,2 nghìn ha lúa và 11,6 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 5,5 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong sáu tháng đầu năm nay ước tính 2.003,8 tỷ đồng, gấp gần 1,2 lần cùng kỳ năm 2024.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong sáu tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 8.273 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 7.416 vụ với tổng số tiền phạt là 115,5 tỷ đồng, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm trước; xảy ra 1.723 vụ cháy, nổ, làm 48 người chết và 75 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 252 tỷ đồng, tăng 96,9% so với cùng kỳ năm trước.

Khái quát lại, kết quả tích cực của tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm 2025 là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, quản lý điều hành đúng hướng, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, đồng hành của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động nhanh, bất thường của khu vực và thế giới.

[1] Tốc độ tăng GDP quý II so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2020-2025 lần lượt là: 0,34%; 6,55%; 8,56%;
4,34%; 7,25%; 7,96%.

[2] Tốc độ tăng GDP sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2025 lần lượt là: 6,10%; 5,25%; 5,03%; 5,86%; 6,68%; 6,13%; 5,93%; 7,43%; 7,12%; 1,74%; 5,71%; 7,01%; 3,91%; 6,64%; 7,52%.

[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2020-2025 lần lượt là: 2,26%; 7,44%; 8,89%; 0,1%; 7,74%; 8,07%.

[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành xây dựng sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2025 lần lượt là: 0,07%; 2,54%; 5,10%; 6,16%; 7,87%; 9,41%; 8,52%; 8,71%; 7,79%; 4,84%; 4,27%; 4,35%; 5,18%; 7,80%; 9,62%.

[5] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2025 lần lượt là:7,30%; 6,58%; 6,39%; 7,15%; 6,83%; 7,19%; 6,75%; 7,75%; 7,44%; 1,18%; 5,06%; 7,34%; 6,97%; 6,83%; 8,14%.

[6] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, nhận ngày 01/7/2025. Thực hiện Nghị định số 62/2024/NĐ-CP ngày 07/6/2024 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024), thời kỳ số liệu về đăng ký doanh nghiệp trong tháng được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo. Riêng đối với các chỉ tiêu thời điểm (doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể), thời kỳ số liệu các tháng trước thời điểm 01/8/2024 được tính từ ngày 21 của tháng trước tháng báo cáo đến ngày 20 của tháng báo cáo.

[7] Kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng nhập khẩu).

[8] Số liệu sơ bộ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2025 do Cục Hải quan cung cấp ngày 02/7/2025.

 Nguồn: Trang Thông tin điện tử Cục Thống kê (www.nso.gov.vn)

Danh sách bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)

19002677