Tổng đài tư vấn khiếu nại: 19002677
-

Hàng giả, thực phẩm bẩn tràn lan: Hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức kinh doanh

 

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất và tiêu thụ hàng giả, thực phẩm bẩn đã được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Những vụ việc này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và lòng tin của người tiêu dùng.

Vụ việc sản xuất sữa bột giả quy mô lớn

Một trong những vụ việc gây chấn động dư luận gần đây là Cơ quan Cảnh sát điều tra/ Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả. Cụ thể, theo thông tin từ cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất và tiêu thụ gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả, trong đó có các sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Những sản phẩm này được quảng cáo có chứa các thành phần như chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, nhưng thực tế hoàn toàn không có những chất này.

Sữa bột giả liên quan đến các vụ vi phạm bị lực lượng chức năng triệt phá. Ảnh: Internet

Sản phẩm sữa bột giả đã được bán ra thị trường với giá rất cao, nhằm đánh vào tâm lý người tiêu dùng muốn tìm kiếm sản phẩm tốt cho sức khỏe. Thực tế, chất lượng của những sản phẩm này chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Tình trạng này kéo dài trong suốt 4 năm, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng. Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng các sản phẩm này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em và những người có sức khỏe yếu, như suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc.

Vụ việc này không chỉ là vấn đề về lợi nhuận mà còn là sự vi phạm nghiêm trọng về đạo đức trong kinh doanh, bởi các doanh nghiệp này đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để trục lợi từ chính sức khỏe của họ.

Vụ việc sản xuất thuốc chữa bệnh giả

Hình ảnh thuốc giả lưu hành trái phép trên thị trường (Ảnh: Internet)

Không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm, ngành dược phẩm cũng không thoát khỏi tình trạng hàng giả. Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, do Nguyễn Tiến Đạt (trú tại Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (trú tại TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu. Lợi dụng nhu cầu cao về thuốc điều trị xương khớp và sự thiếu hiểu biết của người dân, nhóm đối tượng đã tổ chức sản xuất thuốc giả tại các kho xưởng kín đáo ở An Giang, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và máy móc hiện đại để đóng gói thành phẩm. Chúng đặt ra tên thuốc và công ty giả mạo có trụ sở ở nước ngoài nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Các đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm với danh nghĩa hàng xách tay hoặc hàng tuồn từ công ty chính hãng. Qua điều tra, công an đã khám xét khẩn cấp 6 địa điểm tại nhiều tỉnh, thu giữ gần 10 tấn thuốc giả, nguyên vật liệu và thiết bị sản xuất, trong đó có hơn 20 loại thuốc trị xương khớp được làm giả. Nhóm đối tượng thừa nhận đã thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng từ năm 2021 đến nay. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố 14 bị can và đang tiếp tục mở rộng điều tra. Các loại thuốc này đã được phân phối rộng rãi, đặc biệt là qua các kênh bán hàng trực tuyến, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý.

Thực phẩm bẩn – Một vấn đề nhức nhối

Ngoài các vụ việc liên quan đến thực phẩm giả, sữa giả và thuốc giả, vấn đề thực phẩm bẩn cũng đang trở thành mối quan tâm lớn trong cộng đồng. Thực phẩm bẩn là những sản phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, kháng sinh vượt mức cho phép hoặc được chế biến trong điều kiện mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm đã sử dụng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu cấm để thúc đẩy sự phát triển của cây trồng, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Thịt heo được bày bán mất vệ sinh ngay lề đường. Ảnh: Internet

Một trong những vụ việc điển hình là việc phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn từ các nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Các loại thực phẩm như thịt, cá, gia cầm đã bị phát hiện có chứa hóa chất độc hại, các loại vi khuẩn, hay các chất cấm như formol (chất bảo quản hóa học độc hại) để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Điều này không chỉ gây ra những nguy cơ về ngộ độc thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh nghiêm trọng như ung thư, bệnh tim mạch, suy gan, thận.

Mới đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, bao gồm cả các loại thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, xúc xích, thịt tươi sống bị tiêm thuốc nhuộm, hay các loại rau quả được tưới hóa chất cấm. Nhiều loại thực phẩm này được bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là tại các chợ dân sinh, khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn.

Hệ lụy từ hành vi kinh doanh thiếu đạo đức

Những hành vi sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Việc sử dụng sữa bột giả có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là đối với trẻ em, người già và người mắc các bệnh lý đặc biệt. Còn việc sử dụng thuốc giả có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng và thậm chí là tử vong.

Hơn nữa, những hành vi này còn làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính, cũng như ngành thực phẩm. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy lo ngại, bất an và khó có thể tin tưởng vào các sản phẩm dù đã được kiểm định chất lượng.

Với thực phẩm bẩn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là hiện hữu. Hóa chất độc hại và kháng sinh trong thực phẩm có thể tích tụ lâu dài trong cơ thể, gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường. Đồng thời, việc tiêu thụ thực phẩm bẩn làm tăng gánh nặng lên hệ thống y tế, khi số lượng bệnh nhân liên quan đến các bệnh về thực phẩm gia tăng nhanh chóng.

Hành vi sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng trong ngành thực phẩm và dược phẩm không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi thiếu đạo đức, gây hại trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Để ngăn chặn tình trạng này, theo chúng tôi cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan; quy định chế tài xử lý đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm… Chỉ khi đó, thị trường thực phẩm và dược phẩm mới thực sự an toàn và lành mạnh cho cộng đồng.

Danh sách bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)

19002677