Thực trạng hàng giả và trách nhiệm của toàn xã hội.
Hàng giả không chỉ dừng lại ở việc sao chép nhãn mác, thương hiệu, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Người tiêu dùng (NTD) dễ bị lừa mua phải sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thậm chí gây hại cho sức khỏe. Đối với doanh nghiệp, hàng giả làm giảm uy tín, mất doanh thu và gây khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu. Mặt khác, sự lan tràn của hàng giả còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia, Chính phủ mất đi nguồn thu thuế lớn, trong khi các doanh nghiệp chân chính phải đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt, hàng giả trong các lĩnh vực như thuốc men, thực phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, đe dọa đến tính mạng NTD.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Lễ Hội
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội đã trở thành một kênh mua sắm phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho NTD. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường lý tưởng cho hàng giả, hàng kém chất lượng lan tràn. Thực trạng này đang ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến NTD, doanh nghiệp và nền kinh tế. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok và các sàn thương mại điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh online. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm chất lượng, hàng giả và hàng kém chất lượng cũng “núp bóng” và tràn lan. Hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng: Đây là các nhóm sản phẩm thường xuyên bị làm giả, nhái thương hiệu, các sản phẩm này thường được quảng cáo với hình ảnh bắt mắt, giá thành rẻ, đánh vào tâm lý ham rẻ của NTD. Thiết bị công nghệ: Nhiều sản phẩm điện thoại, tai nghe, pin sạc được làm giả một cách tinh vi, khiến người mua khó phân biệt với hàng thật.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Ngòi Hoa (Tân Lạc) tại Lễ Hội
Các đối tượng kinh doanh hàng giả tận dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng với thủ đoạn tinh vithông qua: quảng cáo sai sự thật; sử dụng hình ảnh thật của sản phẩm chính hãng, sau đó giao hàng kém chất lượng; lợi dụng người nổi tiếng hoặc đánh giá ảo: Nhờ các KOLs quảng bá hoặc tạo hàng loạt đánh giá tích cực để tăng độ tin cậy; gian lận khuyến mãi: Quảng cáo giảm giá “sốc”, khiến NTD dễ bị hấp dẫn và mất cảnh giác.
Bất cập hiện nay là thiếu kiểm soát và khó xử lý: Không gian mạng mở, tính ẩn danh và thiếu kiểm duyệt chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội khiến việc phát hiện và xử lý các gian thương trở nên khó khăn. Thậm chí, sau khi bị phát hiện, nhiều tài khoản kinh doanh hàng giả dễ dàng đổi tên, lập tài khoản mới và tiếp tục hoạt động.
Để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng cần giải quyết đồng bộ các giải pháp như: NTD cần nâng cao nhận thức để nhận biết hàng thật, hàng giả, kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, kiểm tra kỹ tem nhãn, nguồn gốc sản phẩm và mua hàng tại các địa điểm uy tín. Khi mua bán trên mạng xã hội cần lựa chọn các sàn thương mại điện tử đã được Nhà nước cấp phép & có uy tín, xem xét kỹ hàng ưng ý mới trả tiền, có chế độ đổi hàng hoàn tiền & bảo hành.
Nhà nước và các cơ quan chức năng cần xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý chặt chẽ hơn đối với sản xuất kinh doanh nhất là với kinh doanh trực tuyến, tăng cường chính sách kiểm duyệt nội dung quảng cáo và xử lý nghiêm các tài khoản vi phạm. Tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ hàng hóa & dịch vụ của mình, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn NTD cách nhận biết, phân biệt hàng thật hàng giả. Ứng dụng công nghệ chống giả, sử dụng tem chống giả, mã QR để giúp NTD dễ dàng kiểm tra khi mua hàng hóa.
Như vậy: hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội không chỉ là vấn đề cá nhân, mà là hiểm họa toàn xã hội, cuộc chiến chống lại vấn nạn này đòi hỏi sự phối hợp từ NTD, doanh nghiệp, các nền tảng mạng xã hội và cơ quan quản lý. Mỗi người cần nâng cao ý thức và trách nhiệm để xây dựng một môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh. Hàng giả, hàng nhái từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, quyền lợi NTD, cũng như danh tiếng của doanh nghiệp.
Nhân ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái 29/11, chúng ta cần nhìn nhận sâu sắc hơn về vấn nạn này và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, Doanh nghiệp, Doanh nhân, nhất là NTD trong việc chủ động phát hiện, xử lý, ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để BVQLNTD tạo thị trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững./.
Hội Bảo vệ QLNTD tỉnh Hòa Bình
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận