Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang phối hợp với Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thị trường
Ảnh tuyên truyền tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Ngày 16-18/10/2024, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang phối hợp với Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ tổ chức tuyên truyền Luật BVQLNTD, Nghị định 55/2024, Quyết định 07/2024 của TTCP và Quyết định số 2017/QĐ- BCT. Theo kế hoạch hoạt động, trong tháng 10 (từ ngày 16/10/2024 đến 30/10/2024) Hội BVLNTD tỉnh An Giang tổ chức 9 lớp tập huấn và tuyên truyền Luật Bảo vệ QLNTD. Trong đó: 8 lớp tại cấp huyện và 01 lớp cấp tỉnh. Tuần qua, đã triển khai 3 lớp tại các huyện An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn. Tham gia lớp tập huấn có 454 đại biểu tham dự là đại diện Lãnh đạo các Ban Tuyên Giáo, Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, Phòng chuyên môn cấp huyện, thị, thành phố, Công an, Quân sự Đồn biên phòng, Lãnh đạo UBND cấp xã, Trưởng Khóm/ấp, các Chi hội Thanh niên, Phụ nữ, nông dân, Cựu chiến binh khóm/ấp, các chức sắc, chức việc của tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân tiêu biểu và các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.
Ông. Nguyễn Mạnh Hà Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo chuyên đề BVQLNTD trên không gian mạng
Ông Hà cho biết: Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường nội địa ngày càng đa dạng, phong phú, do đó người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa, dịch vụ theo mục đích, nhu cầu của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh giao lưu thương mại lớn và sôi động như vậy, tình trạng vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng vẫn diễn ra, đặc biệt các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp.
Để ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước bảo vệ Người tiêu dùng đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của hình thức thương mại điện tử. Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, thể hiện bằng việc trong năm 2023 Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật đã bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng, cũng như các quy định khác, nhằm nâng cao vai trò, vị trí của người tiêu dùng cũng như người sản xuất, kinh doanh trong xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời bảo đảm cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Bà Võ Thị Liên - Chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh An Giang tuyên truyền về Luật BVQLNTD
Tại đây, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang, bà Võ Thị Liên, đã phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có 07 Chương, 80 Điều (tăng 01 Chương và 29 Điều so với Luật năm 2010). Một số quy định đã được hoàn thiện, bổ sung trong Luật mới: Xác định rõ hơn khái niệm người tiêu dùng, quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, bổ sung các quy định mới: Sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, giao dịch đặc thù, đặc biệt là hình thức kinh doanh trực tiếp, kinh doanh trên không gian mạng, bán hàng đa cấp,…; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Thông qua lớp tập huấn, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nhận biết trách nhiệm, nhiệm vụ, của các cơ quan chức năng đối với người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trên địa bàn huyện và góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, hài hòa với lợi ích kinh doanh của nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và lợi ích của Nhà nước.
Ảnh tuyên truyền tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Để kịp thời đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn, đảm bảo sự tuân thủ đầy đủ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần kịp thời tìm hiểu quy định mới của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường năng lực tự tuân thủ và triển khai các chương trình tập huấn, phổ biến quy định mới trong hệ thống, mạng lưới kinh doanh của mình.
Mặc dù đã có nhiều động thái tích cực, song trên thực tế, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến vẫn chưa thể theo kịp được nhu cầu phát triển. Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, chính người tiêu dùng cần phải tỉnh táo để tránh gặp phải những trường hợp không mong muốn khi mua hàng online, nhất là nên lựa chọn những sàn TMĐT uy tín, có cam kết cung cấp hàng hóa chính hãng, có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng. Đồng thời người tiêu dùng cần hiểu rõ và có thỏa thuận theo yêu cầu của mình trước khi đặt hàng. Nếu có vấn đề trong khi giao dịch ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, người tiêu dùng cần có ý kiến, liên hệ phản ánh đến các cơ quan chức năng, như: Sở Công Thương, Cục QLTT, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh để được hỗ trợ, giải quyết. Nếu nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Võ Thị Liên - Chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh An Giang
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Danh sách bình luận